Sau hơn 3 tuần lễ yên ắng, Pháp bất ngờ tuyên bố có thể tấn công Syria lần nữa nếu phát hiện thấy sử dụng vũ khí hóa học.
Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (thứ hai từ trái) thăm ủy lạo ngợi khen đội phi công tiêm kích tiến hành tấn công tên lửa xuống Syria rạng sáng 14-4 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly vừa lên tiếng khẳng định: "Cuộc tấn công mà chúng tôi đã thực hiện vào ngày 14-4 là lời cảnh báo. Khi lằn ranh đỏ bị vượt qua thì sẽ có phản ứng".
Quan điểm của Pháp về "lằn ranh đỏ" trong việc sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường từng được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập trước đây như một cảnh báo của Pháp.
Vấn đề là sau cuộc không kích của liên quân Mỹ-Anh-Pháp cách đây hơn 3 tuần, tình hình có vẻ yên ắng khi đội điều tra vũ khí hóa học của cơ quan LHQ đã được tiếp cận hiện trường và các bên đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao mới, trong đó Pháp là bên khởi xướng mạnh mẽ.
Thậm chí vào ngày 23-4 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí hai nước sẽ nỗ lực nối lại các cuộc hòa đàm về vấn đề Syria.
Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm với ông Macron, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rằng cuộc tấn công mới đây của các nước phương Tây nhằm vào Syria là "hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế", cản trở tiến trình tìm kiếm sự ổn định chính trị tại quốc gia Trung Đông này.
Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về tầm quan trọng của cuộc điều tra do Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tiến hành liên quan đến vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma, ngoại ô Damascus của Syria, cùng với đó là việc thúc đẩy công tác đàm phán về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở nước này.
"Phòng tình huống" của Pháp với Tổng thống Macron (thứ ba từ phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly (thứ hai từ trái), theo dõi cuộc tấn công tên lửa của Pháp xuống Syria rạng sáng 14-4 - Ảnh: AFP
Ngày 14-4, liên quân Mỹ-Anh-Pháp đã phóng hơn 100 tên lửa vào nhiều mục tiêu ở Syria để đáp lại hành động mà phương Tây cáo buộc chính quyền Damacus sử dụng vũ khí hóa học.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng Syria đã sử dụng các hệ thống phòng không từ thời Liên Xô phóng 112 tên lửa đất đối không để đẩy lùi cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp, phá hủy 71 trong số 103 tên lửa trong cuộc tấn công của liên minh phương Tây hồi tuần trước.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố các tên lửa "đã đánh trúng thành công mọi mục tiêu" và Bộ Quốc phòng Pháp thông báo "không có tên lửa nào của Pháp bị ngăn chặn".
Theo Hoàng Duy Long/ Tuổi Trẻ