Hai báo cáo đánh giá tình hình quân sự hôm 30-5 cho biết chính quyền quân sự Myanmar đã mất quyền kiểm soát một số vùng lãnh thổ rộng lớn, bao gồm phần lớn các đường biên giới quốc tế.
Các tay súng của Quân đội Giải phóng dân tộc Ta'ang (TNLA) đang chuẩn bị vũ khí ở thị trấn Namhsan, thuộc bang Shan phía bắc Myanmar - Ảnh: AFP
Hãng tin Reuters dẫn báo cáo của Hội đồng Cố vấn đặc biệt của chính quyền Myanmar (SAC-M) cho biết chính quyền quân sự Myanmar đã đánh mất quyền kiểm soát ở 86% thị trấn trên đất nước, nơi sinh sống của 67% dân số nước này.
Chính điều này đã cho phép các nhóm vũ trang sắc tộc có cơ hội mở rộng và củng cố các khu vực mà họ giành quyền kiểm soát trước đó.
Phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar không đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin nói trên.
SAC-M là một nhóm các chuyên gia quốc tế độc lập được thành lập sau cuộc đảo chính hồi năm 2021.
“Chính quyền quân sự không kiểm soát ổn thỏa toàn bộ lãnh thổ Myanmar để duy trì những nhiệm vụ cốt lõi của nhà nước”, các chuyên gia của SAC-M nhận định.
Cũng theo nhóm chuyên gia này, chính quyền quân sự Myanmar đã từ bỏ quyền kiểm soát một số khu vực quan trọng và buộc phải đứng ở thế phòng thủ hầu hết các vùng miền trên chính đất nước họ đang điều hành.
Tương tự, Crisis Group, một tổ chức quản lý khủng hoảng phi lợi nhuận ở Myanmar, cho biết quân đội của chính quyền quân sự nước này hứng chịu sự tổn thất ngày càng tăng, giới thượng lưu ở thủ đô Naypyidaw cũng mất tinh thần khiến người dân ngày càng nghi ngờ về tương lai của Thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar.
Theo Reuters, cả hai bản báo cáo của SAC-M và Crisis Group đều ghi nhận chính quyền quân sự Myanmar đã thất thủ gần như toàn bộ khu vực biên giới nước này.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu quân sự cho rằng những cơ quan hành chính phi nhà nước ở Myanmar nên mở rộng hợp tác với các quốc gia láng giềng, phối hợp với các tổ chức trong khu vực và quốc tế để có thể đương đầu với các nhóm vũ trang sắc tộc nổi dậy khắp nơi.
Xung đột lan rộng khắp Myanmar Tình hình rối ren của Myanmar bùng nổ kể từ khi Liên minh 3 anh em bao gồm Đội quân Dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh Dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) và Quân đội Giải phóng dân tộc Ta'ang (TNLA) phát động "Chiến dịch 1027" vào ngày 27-10-2023. Giới quan sát nói rằng cuộc tấn công của các nhóm vũ trang sắc tộc đã đánh dấu một thời điểm quan trọng trong tiến trình lịch sử của Myanmar, thời điểm bộc lộ sự suy yếu của quân đội cầm quyền. Từ đó, chính quyền quân sự đã phải nhường quyền kiểm soát một số khu vực ở miền bắc Myanmar, giáp biên giới Trung Quốc. Sau đó, các cuộc tấn công lan rộng sang những vùng khác ở miền đất này, đẩy chính quyền quân sự ra khỏi các khu vực ngoại vi từ biên giới Myanmar - Thái Lan đến các vùng ven biển dọc theo vịnh Bengal. Báo chí quốc tế nhận định quân đội Myanmar đang đối mặt thách thức nghiêm trọng nhất kể từ tháng 2-2021, thời điểm họ nắm quyền kiểm soát Myanmar sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền dân sự và bắt giam các lãnh đạo Myanmar, bao gồm bà Aung San Suu Kyi. Liên Hiệp Quốc ước tính đã có hơn 3 triệu người dân Myanmar buộc phải rời bỏ nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn do xung đột leo thang. |
Các cột mốc quan trọng trong cuộc xung đột ở Myanmar từ tháng 10-2023: Ngày 27-10, Đội quân Liên minh Dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) cùng các nhóm vũ trang sắc tộc thuộc Liên minh 3 anh em tiến hành "Chiến dịch 1027" tấn công vào một số đồn quân sự ở phía bắc bang Shan, giáp biên giới Trung Quốc. Ngày 16-12, TNLA tuyên bố chiếm được thị trấn giao thương quan trọng với Trung Quốc Namhsan, thuộc bang Shan. Ngày 6-1-2024, Liên minh Ba anh em tuyên bố chiếm được thị trấn Laukkai, thủ phủ vùng Kokang, ven biên giới với Trung Quốc sau khi sở chỉ huy vùng của quân đội Myanmar tại đây đầu hàng. Tháng 4-2024, các cuộc đụng độ lan rộng sang khu vực biên giới phía tây Myanmar, giáp với Thái Lan. |
Theo Uyên Phương/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/chinh-quyen-quan-su-myanmar-mat-kiem-soat-mot-so-vung-lanh-tho-rong-lon-20240530132706529.htm