Bất chấp phương Tây liên tục áp lệnh trừng phạt, kinh tế Nga vẫn tăng trưởng 3,6% trong năm 2023 và được dự đoán tăng 2,6% trong năm 2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin (Ảnh: Arina).
Câu hỏi đặt ra là vì sao Nga có thể vượt qua khoảng 16.000 lệnh trừng phạt của các nền kinh tế được đánh giá là mạnh nhất thế giới.
Báo Asia Times dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, bí quyết giúp Moscow vượt lên trên những lệnh trừng phạt bủa vây chính là chiến lược vàng.
Các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây chủ yếu nhắm vào hoạt động vận tải biển và giao thương với Nga, trong khi thị trường vàng gần như không bị ảnh hưởng.
Cách đây hơn 2 năm, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Anh, một trung tâm giao dịch vàng lớn nhất thế giới, đã cấm toàn bộ nhập khẩu vàng vào nước này.
Theo Hội đồng Vàng thế giới, Nga hiện là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới với 324,7 tấn năm 2023, chỉ sau Trung Quốc.
Nga đã chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt của phương Tây từ năm 2013, nghĩa là trước khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea dựa vào kết quả một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Nga đã tìm cách cô lập nền kinh tế của mình khỏi các giao dịch đòi hỏi đồng USD.
Đầu năm 2022, Nga neo tỷ giá nội tệ (đồng rúp) theo vàng. Hiện giờ, 5.000 rúp mua được một ounce vàng tinh chế.
Mục đích của Nga là chuyển sang chế độ bản vị vàng để đồng rúp trở thành đồng tiền thay thế vàng đáng tin cậy ở một tỷ giá cố định.
Thông thường, lý do cơ bản để dự trữ vàng là sử dụng chúng giải quyết các giao dịch với nước ngoài trong và ngoài nước. Bên nắm giữ vàng có thể giao dịch tài sản này trên một số sàn vàng, vàng có thể hoán đổi lấy tiền tệ và ngược lại. Ví dụ, Venezuela chuyển vàng đến Iran để đổi lấy sự hỗ trợ về kỹ thuật trong hoạt động sản xuất dầu.
Thông thường các quốc gia muốn dự trữ vàng, coi đó là tài sản trú ẩn an toàn chống lại những cú sốc tài chính toàn cầu. Điều đó thúc đẩy nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới mua vàng với tốc độ chóng mặt trong giai đoạn biến động địa chính trị.
Anh, Mỹ, Canada có thể không mua vàng từ Nga, nhưng các nước khác vẫn mua. Năm 2022, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) nhập khẩu hơn 96 tấn vàng Nga, tăng 15 lần so với năm 2021. Rất nhiều máy bay tư nhân rời Nga đến Dubai kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt Nga, đặc biệt sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Một khách hàng lớn khác là Thụy Sĩ. Năm 2022, Thụy Sĩ nhập khẩu 75 tấn vàng (xấp xỉ 4,9 tỷ USD) vàng Nga. Năm 2023, nước này nhập khẩu hơn 8 tỷ USD vàng từ UAE (quốc gia không tự sản xuất nhưng mua vàng từ Nga) và gần 4 tỷ USD từ Uzbekistan, một quốc gia láng giềng của Nga.
Vàng của Nga đang được giao dịch tự do ở mức giá cao nhất đồng thời tránh được mọi lệnh trừng phạt trong số 16.000 lệnh trừng phạt của phương Tây. Đó là lý do tại sao lệnh trừng phạt không tác động nhiều đến Moscow.
Tuy nhiên, để kế hoạch phục hồi kinh tế thông qua vàng của Tổng thống Nga Vladimir Putin có hiệu quả, vàng cần phải tăng giá trị. Mục tiêu dài hạn của ông là vàng chứ không phải USD sẽ là đồng tiền giao dịch toàn cầu.
Vàng được coi là tài sản đảm bảo trong giai đoạn lạm phát và tiền mất giá. Nếu các ngân hàng trung ương, nhà đầu tư và người tiêu dùng phương Tây đổ xô mua vàng, giá vàng sẽ tăng, điều mà Nga mong đợi.
Những chính sách, hành động riêng lẻ của phương Tây sẽ không thể đảo ngược điều này. Để làm thất bại kế hoạch của Moscow, phương Tây cần tăng nguồn cung vàng, làm gián đoạn đường đi của vàng Nga. Ngoài ra, tăng lãi suất, giảm dự trữ vàng cũng có thể khiến giá vàng hạ nhiệt.
Theo Minh Phương/Dân trí (nguồn Asia Times)
https://dantri.com.vn/the-gioi/chien-luoc-vang-giup-nga-vo-hieu-hoa-16000-lenh-trung-phat-cua-phuong-tay-20240319142150905.htm