Với giới lãnh đạo phương Tây, chiến thắng của ông Vladimir Putin trong cuộc bầu cử tổng thống Nga 2024 là một lời gợi nhắc về tầm ảnh hưởng của ông chủ Điện Kremlin.
Tuy nhiên, với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều nhà lãnh đạo khác, chiến thắng của Tổng thống Vladimir Putin – người thách thức trật tự thế giới do phương Tây thiết lập - là một tín hiệu đáng mừng.
Vài tuần trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24-2-2022, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố thiết lập quan hệ "không giới hạn" với Moscow, đồng thời củng cố quan hệ thương mại, an ninh và ngoại giao giữa hai nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moscow ngày 20-3-2023. Ảnh: Reuters
Lập trường của Trung Quốc chỉ ra với Bắc Kinh, Tổng thống Vladimir Putin là một đối tác đặc biệt quan trọng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, cũng như trong nỗ lực tái định hình một thế giới mà Bắc Kinh cho là "bị thống trị một cách bất công" bởi những quy tắc và giá trị do Washington và đồng minh đặt ra.
Theo giới phân tích chính trị, ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia khác hoan nghênh chiến thắng của Tổng thống Vladimir Putin.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gần đây gặp gỡ ông chủ Điện Kremlin ở vùng Viễn Đông – Nga, trong chuyến công du được Washington khẳng định là nhằm tập trung vào việc Moscow mua vũ khí từ Bình Nhưỡng.
Với ông Kim, quan hệ Bình Nhưỡng - Moscow là cơ hội để cải thiện kinh tế song song với nỗ lực phát triển chương trình vũ khí giữa lúc Mỹ và Hàn Quốc tăng cường hợp tác.
Chính phủ Iran, quốc gia bị phương Tây trừng phạt nặng nề, cũng được hưởng lợi từ chiến thắng của Tổng thống Vladimir Putin.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong chuyến thăm TP Vladivostok - Nga vào tháng 9 năm ngoái. Ảnh: Reuters
Ngay cả Ấn Độ, quốc gia thắt chặt quan hệ với Mỹ và kêu gọi ngừng giao tranh ở Ukraine, cũng được hưởng lợi từ việc tiếp tục giao dịch với Nga, đặc biệt là thông qua việc mua dầu giảm giá.
Các chính phủ khác trên khắp miền Nam bán cầu cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ đối tác với Moscow, kể cả khi họ ủng hộ hòa bình ở Ukraine và phải chịu tác động kinh tế từ xung đột Nga - Ukraine.
Với những quốc gia giữ mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Vladimir Putin hoặc tránh nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm cô lập ông, chiến thắng của ông chủ Điện Kremlin sẽ đảm bảo sự ổn định trong mối quan hệ giữa họ với Nga.
Có nhiều lý do khiến Tổng thống Vladimir Putin được nhìn nhận khác biệt ở một số nơi trên thế giới so với ở phương Tây: Sự trỗi dậy của các cường quốc tầm trung phản đối thế thống trị của Mỹ trong các vấn đề quốc tế; hoặc tính thực tiễn kinh tế thuần túy đối với các nền kinh tế đang phấn đấu phát triển.
Xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24-2-2022 nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Reuters
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin mô tả Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) như một phần của một phong trào đang lớn mạnh có thể làm lu mờ trật tự đã được thiết lập, bao gồm cả về sức mạnh kinh tế.
Tổng thống Vladimir Putin sau đó nhấn mạnh một quan điểm mà ông nhiều khả năng muốn cả "bạn" lẫn "đối thủ" cân nhắc khi ông bước vào nhiệm kỳ mới: "Không thể có trật tự quốc tế vững bền nếu không có một nước Nga hùng mạnh và có chủ quyền".
Dù vậy, ngay cả những quốc gia có quan hệ thân thiết với Moscow cũng phải theo dõi xung đột Nga - Ukraine một cách cẩn trọng.
Những chuyên gia như ông Wang Yiwei của Trường ĐH Renmin (Trung Quốc) khẳng định với đài CNN ngày 17-3 rằng Bắc Kinh lo ngại nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân, cũng như rủi ro xung đột Nga - Ukraine leo thang với sụ tham gia trực tiếp của nhiều nước châu Âu.
Theo Cao Lực/NLĐO
https://nld.com.vn/tong-thong-putin-tai-dac-cu-va-nhung-nhan-dinh-lien-quan-196240318121857235.htm