Chính quyền quân sự của Myanmar chưa bao giờ đối diện với thách thức lớn như vậy từ các cuộc nổi dậy đang diễn ra. Giao tranh có thể càng đẩy Myanmar dấn sâu hơn vào bất ổn và bạo loạn.
Các tay súng của nhóm Quân đội giải phóng dân tộc Ta'ang tại bang Shan (Myanmar) - Ảnh: AFP
Hôm 20-11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đã tạo điều kiện cho những người dân Myanmar đang tháo chạy khỏi các điểm nóng xung đột có thể quá cảnh vào nước họ.
Cuộc xung đột giữa quân đội chính quyền Myanmar với các nhóm vũ trang dân tộc ở bang Shan, giáp biên giới Myanmar - Trung Quốc, đang có nguy cơ lan rộng và trở thành điểm nóng mới thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Bạo lực dẫn dắt bạo lực
Với nhiều thập niên đối phó với tình trạng các phe sắc tộc nổi dậy, chính quyền quân sự Myanmar của nhà lãnh đạo Min Aung Hlaing về lý thuyết có khả năng dập tắt các mối đe dọa tại biên giới.
Tuy nhiên, diễn biến gây sốc đã xuất hiện. Quân đội Myanmar hiện mất quyền kiểm soát ở nhiều địa bàn sau một cuộc nổi dậy tưởng như không quá lớn.
Sáng sớm 27-10, "Liên minh ba anh em" gồm Đội quân dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA), và Quân đội giải phóng dân tộc Ta'ang (TNLA) đã phát động cuộc tấn công tại bang Shan, phía bắc Myanmar gần biên giới Trung Quốc.
Cuộc nổi dậy có tên "Chiến dịch 1027", lấy theo cột mốc ngày chính thức nổ súng. Liên minh các nhóm vũ trang trên sau đó thông báo đã chiếm được một số đồn quân sự và những con đường huyết mạch nối Myanmar với Trung Quốc, trong khi quân đội Myanmar đáp trả bằng các cuộc không kích.
Đáng chú ý, cuộc nổi dậy của Liên minh ba anh em nói trên dường như đã tạo ra một phản ứng dây chuyền, theo nhận xét của ông Thomas Kean, chuyên gia về Myanmar tại tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát các cuộc xung đột toàn cầu International Crisis Group. Ông Kean nói với Đài France 24: "Những chiến thắng này theo cách nào đó đã khuyến khích các nhóm vũ trang tại Myanmar".
Ngay trong ngày Liên minh ba anh em tấn công bang Shan, Quân giải phóng quốc gia Karen đột nhập văn phòng quân đội tại bang Kayin, phía nam Shan. Ngay lập tức, Chính phủ thống nhất quốc gia (NUG) - một tổ chức được thành lập sau vụ chính biến tháng 2-2021 - khẳng định quân đội dân sự của họ sẽ tham gia Chiến dịch 1027. Vài ngày sau, Quân đội Arakan và Quân đội độc lập Kachin cũng đã chiếm một số đồn quân sự tại bang Kachin.
Vào ngày 6-11, các nhóm nổi dậy tuyên bố kiểm soát thị trấn Kawlin với 25.000 dân ở khu vực Sagaing. Một ngày sau, lực lượng nổi dậy cho biết đã kiểm soát thị trấn Khampat ở phía tây Myanmar. Đến ngày 13-11, một làn sóng tấn công được ghi nhận ở bang Rakhine.
Nỗi lo bạo lực
Báo chí quốc tế nhận định quân đội Myanmar đang đối mặt thách thức nghiêm trọng nhất kể từ tháng 2-2021, thời điểm họ nắm quyền kiểm soát Myanmar sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền dân sự và bắt giam các lãnh đạo Myanmar, bao gồm bà Aung San Suu Kyi.
Hiện chính quyền quân sự đang chịu áp lực từ nhiều cuộc vây hãm khác ở các bang như Sagaing, Chin, Mon, Kachin và Kayin.
Vào ngày 2-11, thống tướng Min Aung Hlaing khẳng định sẽ phản công tại phía bắc Myanmar với "hành động cần thiết" nhằm đáp trả những kẻ khủng bố. Tuy nhiên khi cùng lúc phải ứng phó trên nhiều mặt trận, quân đội Myanmar bị cho là đang lộ ra những điểm yếu thay vì sức mạnh quân sự.
Trong một phân tích công bố tháng 5 năm nay, nhà nghiên cứu Ye Myo Hein ước tính quân đội Myanmar còn khoảng 150.000 quân nhân, bao gồm 70.000 lính chiến, và ít nhất 21.000 binh sĩ đã bị giết hoặc đào thoát.
Điều này khiến Myanmar dù vẫn duy trì lợi thế từ vũ khí và các đợt không kích nhưng lại không quá áp đảo trong các chiến dịch trên bộ, theo nhận xét của ông Kean.
Giới quan sát cho rằng quân đội Myanmar sẽ không thể thua ngay lập tức. Nhưng sự đáp trả của nhà cầm quyền nhiều khả năng chỉ đẩy Myanmar vào vòng xoáy bạo lực. Tổng thống tạm quyền Myanmar Myint Swe đã cảnh báo quốc gia Đông Nam Á này "sẽ bị chia thành nhiều mảnh khác nhau", đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của người dân.
Trong khi đó, khả năng cộng đồng quốc tế can dự để đem lại ổn định cho Myanmar cũng không cao. Nhân tố được cho có ảnh hưởng nhất với tình hình Myanmar hiện nay là Trung Quốc. Trong phát biểu ngày 20-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Bắc Kinh sẽ giữ liên lạc với các nước liên quan để thảo luận về những bước tiếp theo, sau khi đã hỗ trợ hơn 200 người Thái Lan sơ tán về nước thông qua đường Trung Quốc.
70 người đã chết
Sau các giao tranh xảy ra kể từ ngày 27-10 tại Myanmar, ít nhất 70 thường dân bao gồm trẻ em, đã thiệt mạng, hơn 90 người khác bị thương và hơn 200.000 người mất nhà cửa theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc.
Theo Nhật Đăng/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/nguy-co-bung-no-bao-luc-o-myanmar-70-nguoi-thiet-mang-mot-thang-qua-20231121234006017.htm