24
/
137730
ASEAN trước thách thức cạnh tranh Mỹ - Trung
asean-truoc-thach-thuc-canh-tranh-my-trung
news

ASEAN trước thách thức cạnh tranh Mỹ - Trung

Thứ 6, 11/11/2022 | 08:49:12
2,159 lượt xem

Cạnh tranh nước lớn tiếp tục là vấn đề khiến ASEAN phải khéo léo cân bằng, nhất là trong chuỗi hội nghị đang diễn ra ở Campuchia lần này, Mỹ được giới quan sát cho là có nhiều lợi thế hơn.

ASEAN trước thách thức cạnh tranh Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo ASEAN dự hội nghị đối thoại AIPA trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN từ 10 đến 13-11 tại Campuchia - Ảnh: DƯƠNG GIANG

Trong khi Trung Quốc cử Thủ tướng Lý Khắc Cường, người sắp mãn nhiệm, tới dự hội nghị, thì đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới Campuchia. Lợi thế về cấp bậc và thời gian nắm quyền của ông Biden là chỉ dấu cho thấy Washington sẽ quyết liệt thúc đẩy các vấn đề mà nước này quan tâm.

Điểm nóng Triều Tiên

Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng đã khiến bán đảo Triều Tiên căng thẳng cực độ. 

Trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN đã có nhiều nỗ lực vận động hành lang của Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc để ASEAN ra tuyên bố chung lên án Triều Tiên. Lãnh đạo ba nước này cũng sẽ gặp nhau trực tiếp tại Campuchia ngày 13-11 để củng cố hợp tác ba bên và giải quyết những "thách thức" mà Triều Tiên đặt ra với họ.

Điều này vô hình trung gây áp lực với Campuchia, nước đang là chủ tịch luân phiên ASEAN và có quan điểm ngày càng gần gũi với Trung Quốc - một đồng minh của Triều Tiên. Có thông tin cho rằng Bắc Kinh sẽ tác động đến Phnom Penh để tránh một tuyên bố chung lên án Triều Tiên. 

Tuy nhiên, theo PGS.TS Yongwook Ryu thuộc Trường chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore, Trung Quốc có cùng quan điểm với các nước trong việc cần thúc đẩy hòa bình, phi hạt nhân hóa và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

"Do đó, tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ cố gắng ngăn cản ASEAN đưa ra tuyên bố lên án các hành động phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên. Và như chúng ta đã thấy, có tuyên bố chung hay không cũng không thay đổi được cách hành xử của Bình Nhưỡng", TS Yongwook Ryu nói với Tuổi Trẻ.

ASEAN tìm thế cân bằng

Tại hội nghị lần này, cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ một lần nữa đặt các nhà lãnh đạo Đông Nam Á trước thử thách tìm thế cân bằng. 

Theo ông Yongwook Ryu, Mỹ có thể tận dụng cơ hội này để làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước ASEAN, vì ông Lý Khắc Cường sắp mãn nhiệm nên nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ chỉ cố gắng làm tròn vai, đó là giữ cho quan hệ Bắc Kinh - ASEAN tiếp tục đi đúng quỹ đạo.

Theo nhà phân tích Lucio Blanco Pitlo III thuộc Quỹ con đường tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương ở Philippines, ông Lý có thể giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh là một đối tác về lâu dài của ASEAN, "dựa trên tính liên tục chính trị mà nhiệm kỳ thứ ba của Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mở ra".

"Bỏ qua những chỉ trích, Bắc Kinh có thể định vị Vành đai và con đường là một sáng kiến lâu dài sẽ được duy trì và quảng bá, cam kết các ý tưởng mới như Sáng kiến phát triển toàn cầu, sẽ nhận được sự hỗ trợ và nguồn lực cấp cao nhất tương tự để trở thành một sự thay thế sáng kiến của đối thủ", vị chuyên gia Philippines nhận định với Tuổi Trẻ.

Để tránh các cuộc họp thành diễn đàn đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, PGS.TS Yongwook Ryu cho rằng ASEAN cần tiếp tục nhấn mạnh và giữ vững vai trò trung tâm trong việc quản lý các vấn đề khu vực. Sự gắn kết của ASEAN là chìa khóa cho vai trò trung tâm của khối. 

Do đó theo ông Yongwook Ryu, các nước có vai trò quan trọng trong ASEAN và mong muốn thúc đẩy hợp tác như Việt Nam, Singapore có thể thúc đẩy sự gắn kết thông qua các mối bang giao với những nước xung quanh.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Lucio Blanto Pitlo III cho rằng ASEAN nên tạo ấn tượng với tất cả các đối tác rằng khối này vẫn cởi mở, rằng ASEAN sẽ tiếp tục không đứng về phía nào và muốn duy trì quyền tự chủ của mình. 

"Trong lúc vẫn gần gũi với Trung Quốc về thương mại và địa lý để phát triển, ASEAN nên thể hiện những nỗ lực không ngừng để đa dạng hóa nền kinh tế của mình và hoan nghênh các sáng kiến có lợi từ các đối tác khác dù là trong đầu tư, cơ sở hạ tầng, viện trợ, công nghệ hay thiết lập luật chơi mới", nhà phân tích gợi ý.

Cùng nhau ứng phó thách thức

Với tinh thần đoàn kết, chung tay nỗ lực trước các vấn đề khu vực và toàn cầu, Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra từ ngày 10 đến 13-11 nhằm hướng tới một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Với khoảng 20 hoạt động trong gần bốn ngày làm việc, lãnh đạo các nước dự kiến thông qua và ghi nhận hơn 100 văn kiện về nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.

Gần 98% các sáng kiến trong khuôn khổ phục hồi tổng thể ASEAN được đưa vào triển khai trên cả năm trụ cột về củng cố hệ thống y tế, an ninh con người, hội nhập kinh tế, chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các hoạt động song phương và tham dự nhiều diễn đàn. Tại Hội nghị thượng đỉnh về kinh doanh và đầu tư ASEAN 2022 (ASEAN BIS), Thủ tướng đã nêu sáng kiến cho rằng chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan cần triển khai hiệu quả khuôn khổ phục hồi toàn diện, tập trung vào số hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy phục hồi xanh.

Thủ tướng cũng kêu gọi triển khai hiệu quả chiến lược tổng thể ASEAN về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hiệp định ASEAN về thương mại điện tử, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối khu vực và phục hồi kinh tế.

Ngọc An


Theo Duy Linh/ Tuổi Trẻ

https://tuoitre.vn/asean-truoc-thach-thuc-canh-tranh-my-trung-20221111073904794.htm

  • Từ khóa

Quốc hội Thái Lan thông qua luật hôn nhân đồng giới, đi đầu ở Đông Nam Á

Thái Lan tiến thêm một bước gần hơn đến việc công nhận hôn nhân đồng giới, khi Thượng viện và trước đó là Hạ viện đã thông qua dự luật này.
17:32 - 18/06/2024
294 lượt xem

Thêm nhiều bất ổn ở biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên

Quân đội Hàn Quốc ngày 18-6 cho biết nhiều binh sĩ Triều Tiên đã thiệt mạng hoặc bị thương sau các vụ nổ mìn ở tiền tuyến.
15:43 - 18/06/2024
327 lượt xem

Hai tàu chở đầy người di cư chìm ngoài biển, gần 80 người chết và mất tích

Ngày 17-6, nhà chức trách Ý, các cơ quan Liên Hiệp Quốc và nhóm cứu hộ cho biết ít nhất 11 người chết và 66 người mất tích sau 2 vụ chìm tàu chở người di...
14:27 - 18/06/2024
354 lượt xem

Cơn địa chấn trên chính trường Thái Lan?

Nỗi lo trước mắt là khả năng xảy ra các cuộc biểu tình gây rối và việc trì hoãn thực thi chính sách tài khóa
10:54 - 18/06/2024
467 lượt xem

Tổng thống Putin hé lộ ưu tiên khi đến thăm Triều Tiên

Tổng thống Vladimir Putin tiết lộ Nga và Triều Tiên sẽ phát triển thế hệ thống thanh toán thay thế không bị các nước phương Tây kiểm soát khi hai nước...
08:34 - 18/06/2024
533 lượt xem