Trả lời phỏng vấn Bloomberg hôm 24.9, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr xác nhận chính quyền Manila muốn nối lại các cuộc thương thuyết với Trung Quốc về hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr
Ông Marcos cho hay Philippines muốn tìm kiếm sự thỏa hiệp với Trung Quốc về lĩnh vực hợp tác khai thác dầu khí, và nằm trong phạm vi luật pháp nước này cho phép.
Trong những vấn đề không đạt được nhất trí, hai bên sẽ tiếp tục tìm kiếm những biện pháp khác để thúc đẩy nỗ lực hợp tác này, ông Marcos nói.
“Đã có những trường hợp có quan điểm khác nhau về vùng đặc quyền kinh tế và đường cơ sở ở khu vực, nhưng các bên vẫn xoay xở để tìm ra cách vừa hợp tác khai thác với Trung Quốc và với Mỹ”, nhà lãnh đạo Philippines cho biết.
Hồi tháng 6, người tiền nhiệm của ông Marcos là Rodrigo Duterte đã tuyên bố chấm dứt cuộc đàm phán kéo dài 3 năm với Trung Quốc về hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông. Khi ấy, nội dung các cuộc đàm phán đã đạt đến giới hạn của hiến pháp Philippines.
Trên cương vị tổng thống, ông Marcos cam kết thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, gọi Bắc Kinh là “đối tác vững chắc nhất” của Manila trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, chính quyền Manila hiện tại tiếp tục phản đối những chuyến “xâm nhập” trái phép trên biển của tàu Trung Quốc, và khẳng định sẽ không nhượng bộ về vấn đề chủ quyền, lãnh thổ.
Trước đó, ngày 22.9, vấn đề Biển Đông đã được thảo luận trong cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Marcos từ khi tổng thống Philippines nhậm chức hồi tháng 6. Cuộc gặp diễn ra bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Reuters đưa tin.
"Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông và nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với tự do hàng hải và hàng không cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp", Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo sau cuộc hội đàm.
Mới đây, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez nói với báo The Nikkei của Nhật Bản rằng Manila sẽ cho phép lực lượng Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines trong trường hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan. Phương án này chỉ được thực hiện trong trường hợp thật sự quan trọng đối với Philippines và “phục vụ an ninh của Philippines”, theo đại sứ Romualdez.
Theo Thuỵ Miên/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/tong-thong-philippines-muon-khai-thac-dau-khi-chung-voi-trung-quoc-o-bien-dong-post1503315.html