Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 77 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) diễn ra từ ngày 20 đến 26-9.
Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo thế giới gặp mặt trực tiếp tại trụ sở LHQ ở TP New York - Mỹ trong 3 năm.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định các nhà lãnh đạo tại phiên họp lần này sẽ phải tìm giải pháp cho một loạt thách thức, như xung đột, thảm họa khí hậu, sự gia tăng của nghèo đói và bất bình đẳng, sự chia rẽ ngày càng nghiêm trọng của các nước lớn sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra…
Ông Guterres cũng chỉ ra rằng các nước đang phát triển hiện thiếu khả năng tiếp cận tài chính để phục hồi từ đại dịch COVID-19, dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về giáo dục, y tế và quyền lợi của phụ nữ.
Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 19-9Ảnh: REUTERS
Phiên thảo luận chung năm nay bị phủ bóng bởi xung đột Nga - Ukraine, được cho là gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và sự rạn nứt địa chính trị sâu sắc.
Dù vậy, khoảng 150 nhà lãnh đạo dự kiến phát biểu trực tiếp tại sự kiện này, qua đó cho thấy bất chấp bầu không khí u ám nói trên, LHQ vẫn là nơi quan trọng để các nước trình bày quan điểm, thảo luận các thách thức toàn cầu và hy vọng đạt được tiến triển nào đó.
Ngày đầu tiên của phiên thảo luận chung có sự góp mặt của nhiều nhà lãnh đạo như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan… Theo truyền thống, Tổng thống Mỹ Joe Biden lẽ ra phát biểu trong ngày đầu tiên nhưng do tham dự lễ tang Nữ hoàng Anh Elizabeth II nên ông chủ Nhà Trắng sẽ phát biểu trong ngày 21-9.
Ngay cả khi cuộc khủng hoảng Ukraine "chiếm sóng" chương trình nghị sự, Tổng Thư ký Guterres thúc giục các nhà lãnh đạo không được quên những ưu tiên khác, chẳng hạn như giáo dục. Đây cũng là chủ đề của một hội nghị thượng đỉnh diễn ra bên lề Đại hội đồng LHQ ngày 19-9.
Tại hội nghị này, ông Guterres đã đưa ra đề xuất 5 điểm để các nước thành viên LHQ quan tâm và có cam kết mạnh mẽ, gồm bảo đảm quyền đối với giáo dục cho tất cả, nhất là trẻ em gái; quan tâm đến vai trò và kỹ năng của giáo viên - mạch sống của hệ thống giáo dục; bảo đảm trường học có không gian an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, định kiến; tất cả người học được hưởng lợi từ cuộc cách mạng số; bảo đảm tài chính cho giáo dục và đoàn kết quốc tế.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/khung-hoang-ukraine-phu-bong-dai-hoi-dong-lien-hiep-quoc-20220920211214314.htm