Ngày 22.9, bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ chủ trì sự kiện Đối tác Thái Bình Dương Xanh (PBP) nhằm thúc đẩy hỗ trợ hợp tác trong khu vực trước Trung Quốc.
Ông Kurt Campbell, Điều phối viên Nhà Trắng phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Đối tác Thái Bình Dương Xanh được hình thành vào tháng 6 và bao gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, New Zealand và Anh. Reuters hôm 20.9 dẫn lời ông Kurt Campbell, Điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, nói Ấn Độ hiện tham gia với quy chế quan sát viên, và sẽ có thêm vài nước tham gia cơ chế này.
Ông Campbell nhận định rằng các đảo quốc Thái Bình Dương đang đối mặt tình thế “khốc liệt hơn nhiều” so với quá khứ.
“Sinh kế của họ đang bị đe dọa”, vị quan chức Mỹ nói, nhắc đến nguy cơ "sống còn" đến từ biến đổi khí hậu và tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 đối với nguồn thu du lịch và kinh doanh.
Một số nước khác cần phải làm nhiều hơn nữa cho Thái Bình Dương về khía cạnh ngoại giao liên quan đến viễn cảnh thương mại, viện trợ và trợ giúp, ông Campbell nói thêm.
Điều phối viên đề cập đến “yếu tố chiến lược không thể chối cãi” để đẩy mạnh sự cam kết ở Thái Bình Dương.
“Vài năm qua, chúng ta chứng kiến một Trung Quốc tham vọng hơn nhằm phát triển dấu ấn về quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… Điều này gây nên sự lo lắng cho các đối tác như Úc và New Zealand, và thậm chí cả các quốc gia ở khu vực trên tổng thể”, ông Campbell nói.
Sự kiện Đối tác Thái Bình Dương Xanh được tổ chức bên lề nghị trình Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, và diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh từ 28-29.9 với sự tham gia của các nhà lãnh đạo đảo quốc Thái Bình Dương dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trước cuộc gặp với Thủ tướng Manasseh Sogavare và phái đoàn quần đảo Solomon, ông Campbell cho biết Washington không muốn thấy khu vực rơi vào cuộc cạnh tranh mà lợi ích mà nước này thu được lại đến từ tổn thất của nước khác.
“Chúng tôi sẽ thúc đẩy cuộc chơi với sự tôn trọng đối với nhiều sáng kiến khác nhau diễn ra khắp Thái Bình Dương và sẽ có ảnh hưởng tích cực cho quần đảo Solomon. Tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ đề cập rõ ràng về những quan ngại của mình, rằng chúng tôi không muốn thấy xảy ra khả năng gây ảnh hưởng từ xa”, ông Campbell nhấn mạnh.
Cuộc đua Mỹ-Trung nhằm tranh giành ảnh hưởng tại các đảo quốc Thái Bình Dương đang tăng tốc trong năm 2022 sau khi Trung Quốc ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon, làm dấy lên cảnh báo khu vực đang rơi vào nguy cơ quân sự hóa.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/my-chu-tri-su-kien-doi-tac-thai-binh-duong-xanh-o-new-york-post1501634.html