Kazakhstan, quốc gia Liên Xô cũ nằm ở khu vực Trung Á, đang đối mặt với làn sóng biểu tình tồi tệ nhất trong 3 thập niên, khiến hàng chục người chết và hàng nghìn người bị thương.
Cảnh sát thành phố lớn nhất Kazakhstan - Almaty - ngày 6/1 thông báo, hàng chục người biểu tình thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc xô xát dữ dội. Trong khi đó, quân nhân từ liên minh quân sự của các nước Liên Xô cũ do Nga dẫn đầu đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ nhằm cố gắng kiểm soát tình hình, trong làn sóng biểu tình được đánh giá là tồi tệ nhất trong 30 năm qua ở Kazakhstan.
Ít nhất 13 nhân viên an ninh đã thiệt mạng ở Almaty và 353 người khác bị thương, theo đài truyền hình Khabar 24. Ở các khu vực khác, hơn 1.000 người bị thương do tình hình bất ổn ở quốc gia Trung Á. Gần 400 người đã nhập viện, 62 người vào phòng chăm sóc tích cực, theo Bộ Y tế Kazakhstan.
Người biểu tình đã cố gắng giành quyền kiểm soát các tòa nhà hành chính, trụ sở cảnh sát Almaty, dẫn đến phản ứng của cảnh sát, làm khoảng 12 người thiệt mạng. Làn sóng biểu tình bạo lực đã nổ ra khi giá nhiên liệu tăng cao, cùng với sự tức giận của người dân đối với nạn tham nhũng, đã biến thành bạo loạn.
Đại diện cảnh sát Almaty đã kêu gọi người dân ở yên tại nhà trong bối cảnh hoạt động chống khủng bố đang được tiến hành ngày 6/1 tại quảng trường đường Masanchi, Karasai Batyr-Zhambyl và Baitursynov.
Theo các nhân chứng, tiếng súng nổ và la hét đã xuất hiện ở Almaty trong cuộc đối đầu vào ban đêm giữa lực lượng hành pháp và người biểu tình.
Cảnh sát cho biết, súng đã bị đánh cắp khỏi cửa tiệm bán vũ khí. Đài truyền hình Khabar 24 dẫn lời giới chức Almaty đã đưa tin về việc tìm thấy thi thể của 2 thành viên lực lượng hành pháp bị mất đầu.
Ngày 5/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) trợ giúp sau khi phong trào biểu tình bùng phát khắp cả nước vào những ngày đầu năm 2022 nhằm phản đối giá khí tự nhiên hóa lỏng tăng. Các cuộc biểu tình ban đầu diễn ra trong ôn hòa, nhưng sau đó đã bùng phát thành bạo lực nghiêm trọng.
Lực lượng an ninh được triển khai trên đường phố Kazakhstan khi làn sóng biểu tình tiếp tục lan rộng.
Chính quyền Kazakhstan đã đưa ra nhiều nhượng bộ, bao gồm việc nhiều quan chức từ chức tập thể, tuy nhiên vẫn chưa thể xoa dịu được dư luận. Đây được xem là thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Tokayev, trong đó nhiều người biểu tình không hài lòng về cách hoạt động của chính phủ, điều kiện sống, tình trạng thất nghiệp tại quốc gia Liên Xô cũ sở hữu trữ lượng dầu mỏ dồi dào.
CSTO hôm 6/1 đã bắt đầu đưa lực lượng tới Kazakhstan, với các quân nhân Nga tới bằng máy bay quân sự. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ các cơ sở quân sự và chính phủ quan trọng, hỗ trợ lực lượng Kazakhstan nhằm khiến tình hình ổn định trở lại.
Tại nhiều thành phố, người biểu tình đã nhằm mục tiêu vào các trụ sở nhà nước, những nơi mà cửa sổ, cửa ra vào đã bị phá hoại. Đám đông giận dữ sử dụng gạch đá, gậy, khí gas, hơi cay để tấn công.
Kazakhstan, quốc gia có lãnh thổ lớn thứ 9 thế giới, sở hữu một nền kinh tế khá phát triển kể từ khi tuyên bố độc lập sau khi Liên Xô tan rã. Đây được xem là một trong nước Liên Xô cũ ổn định nhất và những biến động leo thang căng thẳng trong những ngày qua được xem là diễn ra khá nhanh.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/kazakhstan-nhu-vung-chien-su-vi-khoi-lua-bao-loan-20220106214102825.htm