Trung Quốc có thể sử dụng các quy định mới để siết chặt tự do hàng hải và mở rộng quy mô "chiến thuật vùng xám", khiến rủi ro tính toán sai lầm gia tăng trên các vùng biển tranh chấp, như biển Đông
Trong khuôn khổ của Luật An toàn giao thông hàng hải Trung Quốc (MTSL) mới được điều chỉnh và có hiệu lực từ ngày 1-9, hàng loạt tàu thuyền nước ngoài khi tiến vào vùng biển do Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền phải khai báo thông tin với giới chức Trung Quốc và cho phép hoa tiêu nước này lên tàu.
Sự mơ hồ có chủ ý
Các tàu sẽ phải cung cấp thông tin liên quan đến tên và số, vị trí, số điện thoại vệ tinh và hàng hóa nguy hiểm… Những tàu có hệ thống nhận dạng tự động hoạt động không tốt sẽ phải khai báo vị trí và vận tốc với giới chức hàng hải Trung Quốc 2 giờ/lần cho đến khi rời khỏi lãnh hải nước này.
Theo thông báo hôm 27-8 của Cơ quan An toàn hàng hải Trung Quốc (MSA), bộ luật nêu trên được áp dụng với tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng hoặc các chất độc hại, cũng như các tàu bị nghi ngờ "đe dọa an toàn giao thông hàng hải" Trung Quốc. MTSL còn cho phép giới chức hàng hải nước này từ chối quyền tiếp cận lãnh hải đối với các tàu bị xem là "đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc".
Chuyên gia Aristyo Rizka Darmawan của Trường ĐH Indonesia gọi đây là một điều khoản "mơ hồ có chủ ý" để bao trùm toàn bộ tàu thuyền nước ngoài không được Bắc Kinh hoan nghênh, đặc biệt là các tàu thực hiện sứ mệnh bảo đảm tự do hàng hải (FONOP).
Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, "lãnh hải" là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý (22,2 km) tính từ đường cơ sở, với "quyền qua lại vô hại" dành cho tàu thuyền nước ngoài - một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của luật biển hiện đại. Các nước chỉ được phép thực thi pháp luật, bao gồm yêu cầu khai báo, nếu tàu thuyền quốc tế bị nghi ngờ vi phạm quy tắc qua lại vô hại "trong lãnh hải của họ" thông qua những hành động như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền chính trị độc lập...
Tàu sân bay USS Carl Vinson tham gia chuỗi diễn tập quân sự quy mô trải rộng toàn cầu Large-Scale Exercise (LSE) 2021 ở các vùng biển bao gồm Hoa Đông, biển Đông trong tháng 8. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Theo chuyên gia Su Tzu-yun của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (INDSR) ở Đài Loan (Trung Quốc), cần lưu ý rằng Trung Quốc xác định lãnh hải của họ một cách rộng hơn rất nhiều để bao gồm "vùng nội thủy, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải và thềm lục địa, cũng như những vùng biển khác thuộc quyền tài phán của họ".
Điều 2 của Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp Trung Quốc 1992 khẳng định: "Lãnh hải Trung Quốc là vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc. Lãnh thổ Trung Quốc bao gồm đất liền và các đảo ngoài khơi xa, Đài Loan cùng các quần đảo như Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa". Tây Sa, Nam Sa chính là cách Trung Quốc ngang nhiên gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam một cách trái phép.
Giới quan sát khẳng định mặc dù không nêu tên bất kỳ quốc gia hoặc vùng biển nào, thông báo nêu trên của MSA "rõ ràng là nhắm vào Mỹ và đồng minh". "Tàu lặn, tàu hạt nhân và các tàu có thể đe dọa an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc…thật khó để không liên tưởng đến các tàu quân sự được Mỹ, Anh và Nhật Bản triển khai đến biển Hoa Đông, biển Đông và eo biển Đài Loan" - chuyên gia Wu Fei của Trường ĐH Tế Nam Quảng Châu (Trung Quốc) khẳng định với báo Asia Times.
Nhà phân tích Tzu-yun của INDSR ở Đài Loan không loại trừ khả năng Bắc Kinh sử dụng luật mới để siết chặt tự do hàng hải, mở rộng quy mô "chiến thuật vùng xám" - những hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh, không tạo cớ cho xung đột xảy ra để tránh sự can thiệp quân sự chính thức của nước khác.
Nhấn mạnh điều này có thể dẫn đến nguy cơ tính toán sai lầm, bà Tzu-yun khẳng định MTSL không khác gì "một quả bom nổ chậm" cho xung đột vũ trang trên các vùng biển tranh chấp như biển Đông, nơi Washington và đồng minh thường xuyên triển khai FONOP để thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Theo chuyên gia Monika Chansoria của Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản (JIIA), bộ luật nêu trên của Trung Quốc là nước đi bổ sung trong chuỗi hành động khiến căng thẳng leo thang trên biển Đông và biển Hoa Đông kể từ năm 2020.
Cùng với Luật Hải cảnh Trung Quốc (có hiệu lực từ ngày 1-2) cho phép lực lượng này sử dụng vũ khí nhằm vào tàu thuyền nước ngoài, theo bà Chansoria, MTSL đã biến Hải cảnh Trung Quốc (CCG) thành "một tổ chức bán quân sự dưới sự chỉ huy của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)".
"Những diễn biến này rất đáng báo động vì chúng làm gia tăng rủi ro tính toán sai lầm, đe dọa hòa bình và ổn định trên khắp biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan" - bà Chansoria khẳng định với báo The Indian Express.
Trong lúc Bắc Kinh phô diễn sức mạnh hải quân, nhóm QUAD (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) đẩy mạnh các hoạt động đối trọng. Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành nhiều cuộc họp với các đồng minh, đối tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tháng rồi, giới chức cấp cao của nhóm QUAD đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến nhằm tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh toàn cầu, cũng như bàn bạc giải pháp đối phó với hành vi cưỡng ép và bắt nạt của Trung Quốc trong khu vực. |
Theo Cao Lực/NLĐO
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/gia-tang-xung-dot-tren-bien-dong-20210903201310074.htm