Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi một biến chủng virus mới có tên gọi "Mu", được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1.
Virus SARS-CoV-2 biến đổi nhiều kể từ khi được phát hiện cuối năm 2019 (Ảnh: Reuters).
Theo thông báo ngày 31/8 của WHO, biến chủng Mu, có tên khoa học là B1621, được xếp vào nhóm "biến chủng đáng quan tâm".
WHO cho biết biến chủng Mu có các đột biến cho thấy khả năng kháng vắc xin. WHO nhấn mạnh cần phải có các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn về biến chủng này.
"Biến chủng Mu có một loạt đột biến cho thấy đặc tính tiềm ẩn về khả năng tránh miễn dịch", WHO nhận xét.
Sau khi được phát hiện ở Colombia hồi tháng 1, biến chủng Mu đã được ghi nhận ở các quốc gia Nam Mỹ khác và ở châu Âu.
WHO cho biết tỷ lệ nhiễm biến chủng Mu trên toàn cầu hiện ở mức dưới 0,1% trong tổng số ca nhiễm. Tuy nhiên, ở Colombia, tỷ lệ này hiện là 39%.
Ngày càng có nhiều lo ngại về sự xuất hiện của các biến chủng virus mới khi số ca nhiễm tăng trở lại trên toàn cầu. Hiện biến chủng Delta đang chiếm ưu thế, đặc biệt ở những nhóm người chưa được tiêm chủng và các khu vực nới lỏng biện pháp chống dịch.
Tiến sĩ Sebastian Maurer-Stroh, giám đốc điều hành Viện Thông tin Sinh học thuộc Cơ quan Khoa học Singapore, cho biết virus SARS-CoV-2 đã trải qua hơn 6.600 lần đột biến riêng biệt ở protein gai kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019.
Virus biến đổi bất cứ khi nào xảy ra "sai sót" trong quá trình sao chép. Điều này có thể dẫn đến việc thêm vào, xóa đi hoặc thay đổi bộ gen di truyền của virus. Nếu sai sót đó làm tăng khả năng sinh tồn của virus thì virus bản sao của những sai sót đó sẽ tồn tại lâu hơn, thậm chí áp đảo phiên bản ban đầu.
Tất cả các virus, bao gồm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19, đều đột biến theo thời gian và hầu hết các đột biến không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến đặc tính của virus.
Tuy nhiên, một số đột biến có thể làm thay đổi các đặc tính của virus và ảnh hưởng đến mức độ dễ lây lan của virus, mức độ nghiêm trọng của căn bệnh do virus gây ra cũng như khả năng kháng vắc xin, thuốc và các biện pháp đối phó khác.
Đến nay, WHO đã liệt kê 4 biến chủng vào nhóm đáng lo ngại gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta - những biến chủng dễ lây lan và né kháng thể hơn. Trong khi nhóm biến chủng đáng quan tâm đã được đặt tên gồm có Eta, Iota, Kappa và Lambda.
Biến chủng thuộc nhóm đáng lo ngại được đánh giá là có khả năng lây lan cao hơn, hoặc độc lực cao hơn hoặc kháng vắc xin mạnh hơn, trong khi biến chủng thuộc nhóm đáng quan tâm có mức độ nghiêm trọng thấp hơn.
Delta, xuất hiện ở 170 quốc gia, là biến chủng được ghi nhận lần đầu tiên ở Ấn Độ và nhanh chóng lan ra khắp thế giới, đe dọa thành quả chống dịch của nhiều nước. Sự xuất hiện của biến chủng Delta đang khiến một số chính phủ xem xét lại chiến lược chống dịch.
Để đối phó với các biến chủng, các nước trên thế giới đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin trong khi tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn đà lây lan của chúng.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/who-theo-doi-bien-chung-mu-moi-co-kha-nang-khang-vac-xin-20210901134511083.htm