24
/
105142
Tại sao Tổng thống Biden 'làm căng' với Trung Quốc ở Biển Đông?
tai-sao-tong-thong-biden-lam-cang-voi-trung-quoc-o-bien-dong
news

Tại sao Tổng thống Biden 'làm căng' với Trung Quốc ở Biển Đông?

Thứ 4, 17/02/2021 | 10:37:34
639 lượt xem

Giới chuyên gia quốc tế đánh giá thế nào về việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đưa ra động thái cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông?

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz (CVN 68) và USS Theodore Roosevelt (CVN 71) tập trận chung ở Biển Đông ngày 9.2   

Theo hải quân Mỹ, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này là USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và USS Nimitz (CVN 68) vừa có cuộc tập trận chung ở Biển Đông vừa diễn ra vào ngày 9.2. 

Đến ngày 11.2 (theo giờ Mỹ), ngay trước thềm giao thừa sang năm Tân Sửu, website của Nhà Trắng đăng tải thông cáo về cuộc điện đàm trước đó một ngày giữa Tổng thống Biden và ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo 2 nước nói chuyện trực tiếp kể từ khi ông Biden tiếp nhận Nhà Trắng. 

Trong cuộc gọi, theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định: “Các ưu tiên của ông là bảo vệ an ninh, sự thịnh vượng, sức khỏe và hệ giá trị sống của người Mỹ, đồng thời duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở”. Như thế, Nhà Trắng muốn khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách Indo-Pacific mà nước Mỹ đã triển khai suốt những năm gần đây, vốn bao hàm cả vấn đề Biển Đông.

Cam kết với khu vực 

Ấn Độ nỗ lực kết nối từ biển Ả Rập đến Biển Đông

Phát biểu tại một sự kiện ngày 15.2 ở TP.Guwahati (bang Assam, Ấn Độ), Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar hé lộ rằng nước này đang nỗ lực phát triển các dự án kết nối “từ biển Ả Rập đến Biển Đông”, theo kênh Zee News. 

Cụ thể, Ngoại trưởng S Jaishankar nói rằng kế hoạch là “tạo ra sự kết nối tới và bên trong Assam, vươn đến đông bắc rồi sau đó đến nước láng giềng Myanmar và Bangladesh, nhưng cuối cùng là mở rộng tuyến kết nối này bằng đường bộ, hàng không và đường biển tới VN, Nhật Bản”. 

Ấn Độ đang làm việc về một số dự án nhằm kết nối vùng đông bắc của nước này với Đông Á thông qua đường bộ kết nối 3 nước Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan, và đặt mục tiêu mở rộng tuyến đường này tới VN thông qua Lào, theo Zee News.     

Trả lời Thanh Niên về cuộc tập trận của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay trên, ông Gregory B.Poling (Giám đốc chương trình AMTI, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS, Mỹ) đánh giá: “Chính quyền của Tổng thống Biden dường như muốn khẳng định với các nước khu vực rằng Washington sẽ không từ bỏ Biển Đông. Theo đó, Mỹ cam kết đối phó việc Trung Quốc có hành vi vi phạm luật biển quốc tế và gây rối các nước láng giềng. Cụ thể hơn, Washington tiếp tục duy trì sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Biển Đông như những năm qua”.

Tương tự, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận định: “Việc Lầu Năm Góc điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông tập trận vào ngày 9.2 nhằm gửi tín hiệu mạnh mẽ đến Bắc Kinh rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ không chấp nhận các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở vùng biển này cũng như trong khu vực nói chung”.

Ngăn ngừa Trung Quốc tấn công Đông Sa?

“Nhìn dọc theo vùng biển từ eo biển Đài Loan nối đến Biển Đông gần đây, chính quyền của tân Tổng thống Biden đang chứng tỏ Washington nếu muốn thì có thể điều động khí tài đến bất kỳ vị trí nào, bất chấp các hành vi răn đe của Bắc Kinh. Vì thế, diễn biến trên sẽ giúp giảm bớt lo ngại của nhiều bên trong khu vực về khả năng ông Biden “mềm mỏng” hơn người tiền nhiệm Donald Trump về chính sách đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế thì chính quyền mới của Mỹ có thể sẽ đối phó với Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn và phối hợp có tính đa phương hơn”, ông Nagy phân tích thêm và đặt vấn đề: “Trong khi đó, động thái như vậy có thể cũng làm tăng khả năng xung đột ở quần đảo Đông Sa (Pratas), nằm ở phía bắc Biển Đông và đang do Đài Loan kiểm soát. Bởi vì năm 2021 là dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc nên Bắc Kinh không muốn thể hiện một hình ảnh mạnh mẽ”.

Cùng quan điểm, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Cuộc tập trận của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hồi tháng 7.2020 và ngày 9.2 vừa qua ở Biển Đông nhằm mục đích ngăn cản Trung Quốc tấn công quân sự nhằm vào quần đảo Đông Sa”.

“Tại sao tôi nói như vậy?”, TS Nagao đặt vấn đề và giải thích rằng: “Hồi tháng 5.2020, truyền thông Nhật Bản dẫn một số nguồn tin cho rằng Trung Quốc có thể sớm tấn công quần đảo Đông Sa, thì đến tháng 7.2020, Mỹ đã điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông tập trận”. 

Ông phân tích thêm: “Năm 2021 là dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, nên Bắc Kinh cần có được một thắng lợi để ghi dấu ấn. Quần đảo này không có người sinh sống, chỉ có cơ sở quân sự cùng đường băng sân bay, nhưng có vị trí vô cùng quan trọng và nếu chiếm giữ đảo này thì Bắc Kinh có thể chặn sự can thiệp của Mỹ từ khu vực còn lại ở Thái Bình Dương đến Biển Đông. Tuy nhiên, cũng chính vì năm nay là dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, nên Bắc Kinh cũng cần đảm bảo các hoạt động quân sự không xảy ra rủi ro để tránh nguy cơ bị mất mặt. Vì thế, Mỹ điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tập trận ở Biển Đông vào tuần trước là để thể hiện sức mạnh, cho Trung Quốc thấy rằng có thể bị thất bại nếu can dự quân sự vào Pratas”.

Cần thêm thời gian?

Trong khi đó, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: “Đối với các hoạt động của hải quân Mỹ, các cuộc tập trận chung của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay thường được lên kế hoạch ít nhất 3 tháng. Bên cạnh đó, trong 4 - 6 tháng đầu nhiệm kỳ, các chính quyền mới của Mỹ thường tiếp tục chính sách của chính quyền cũ vì cần có thêm thời gian đánh giá, xem xét. Việc thay đổi khẩn cấp thường chỉ khi chính quyền mới quan ngại nghiêm trọng về chính sách của chính quyền tiền nhiệm”. 

“Vì thế, hải quân Mỹ có lẽ sẽ còn thực hiện các cuộc tập trận của nhóm tác chiến tàu sân bay hay các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) đến tháng 10.2021 - thời điểm kết thúc năm tài chính hiện tại (vì liên quan các kế hoạch ngân sách - NV). Sau đó, chính sách của chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc sẽ tùy thuộc vào các động thái, phản ứng của phía Bắc Kinh. Tôi tin rằng, Mỹ sẽ phối hợp với các đối tác khi tiến hành tập trận ở Biển Đông, vì chính quyền của ông Biden có xu thế tăng cường hoạt động đa phương”, cựu đại tá Schuster dự báo.

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/the-gioi/tai-sao-tong-thong-biden-lam-cang-voi-trung-quoc-o-bien-dong-1342578.html

  • Từ khóa

Thái Lan 'hành động quyết liệt' để bảo vệ đạo Phật

Chính phủ Thái Lan khẳng định sẽ hành động quyết liệt hơn để bảo vệ Phật giáo trước hàng loạt tệ nạn như ma túy, cờ bạc, trục lợi tiền cúng dường, truyền...
15:22 - 28/11/2024
10 lượt xem

Ông Medvedev nêu điều kiện dẫn đến việc tấn công các căn cứ NATO

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Nga có thể tấn công các căn cứ NATO trong trường hợp leo thang.
13:54 - 28/11/2024
46 lượt xem

Bolivia - Trung Quốc ký thỏa thuận xây nhà máy lithium carbonat

Bolivia ngày 26.11 cho biết họ đã ký một thỏa thuận trị giá 1 tỉ USD với CBC của Trung Quốc, một công ty con của gã khổng lồ sản xuất pin CATL, để xây...
12:10 - 28/11/2024
101 lượt xem

Đông Nam Á thúc đẩy sản xuất nội địa

Việc cấm bán iPhone 16 khiến Indonesia trở thành hình mẫu khu vực trong việc bảo vệ quyền lợi cho các ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh...
09:50 - 28/11/2024
155 lượt xem

Hành trình chuyển đổi số của Trung Quốc

Trung Quốc được xem là một trong những hình mẫu phát triển công nghệ vượt bậc trên thế giới khi tất cả mọi người, mọi ngành, mọi lĩnh vực đều có “dấu...
09:22 - 28/11/2024
161 lượt xem