Mỹ thông báo lệnh trừng phạt áp lên Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, đồng thời cảnh báo sẽ có thêm các đòn trừng phạt kinh tế khác sau cuộc đảo chính quân sự.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing (Ảnh: Reuters)
Bộ Tài chính Mỹ ngày 11/2 tuyên bố trừng phạt hàng loạt quan chức quân sự Myanmar, 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác ngọc bích và đá quý, bổ sung thêm hình phạt với 2 quan chức quân sự. Mỹ cáo buộc các cá nhân và thực thể này đóng vai trò dẫn đầu trong vụ đảo chính hôm 1/2.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/2 đã thông qua mệnh lệnh hành pháp mở đường cho các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào các tướng quân đội Myanmar.
Lệnh trừng phạt ngày 11/2 nhằm vào Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing và Phó tư lệnh Soe Win. Hai quan chức trước đó từng bị Mỹ trừng phạt năm 2019 vì cáo buộc liên quan tới việc đàn áp người Hồi giáo Rohingya.
Những người nằm trong danh sách trừng phạt gồm 6 thành viên Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Myanmar, 4 quan chức quân sự được quân đội bổ nhiệm là thành viên của Hội đồng Quản lý Nhà nước, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mya Tun Oo.
"Vụ đảo chính ngày 1/2 là đòn tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển giao dân chủ của Myanmar và pháp quyền. Chúng tôi cũng chuẩn bị để có các biện pháp (trừng phạt) bổ sung nếu quân đội Myanmar không thay đổi. Nếu quân đội Myanmar có thêm hành động bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa, lệnh trừng phạt hôm nay mới chỉ là khởi điểm", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo.
Nhà Trắng cho biết các lệnh trừng phạt được ngày 11/2 không nhất thiết phải có hiệu lực vĩnh viễn, thúc giục quân đội Myanmar "ngay lập tức khôi phục quyền lực cho chính phủ được bầu cử dân chủ, chấm dứt tình trạng khẩn cấp, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ không công bằng và đảm bảo những người biểu tình ôn hòa không bị đối xử bạo lực".
Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và hàng loạt quan chức chính phủ dân sự Myanmar bị quân đội nước này bắt sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2. Quân đội Myanmar viện dẫn cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái là lý do đảo chính. Hàng chục nghìn người dân Myanmar đã xuống đường phản đối đảo chính.
Cũng vào ngày 11/2, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết họ sẽ ngừng khoản hỗ trợ 42,2 triệu USD cho các hoạt động mang lại lợi ích cho chính phủ Myanmar.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/my-trung-phat-tong-tu-lenh-quan-doi-myanmar-vi-vu-dao-chinh-20210212071547078.htm#dt_source=Cate_TheGioi&dt_campaign=Cover&dt_medium=1