Zalo vừa công bố cán mốc 100 triệu người dùng và ứng dụng này đang được hơn 20 tỉnh thành chọn để giải quyết các thủ tục hành chính và tương tác với người dân.
Đại diện Zalo cho biết, hiện nay ứng dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu liên lạc mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cuộc sống hằng ngày và là nền tảng hiệu quả được các cơ quan nhà nước sử dụng để xây dựng chính quyền 4.0.
Cụ thể, đến tháng 5.2018, đã có hơn 20 tỉnh thành gồm Đà Nẵng, Đồng Nai, Tiền Giang, Thái Bình, Đồng Tháp, Quảng Ngãi...chọn Zalo để giải quyết các thủ tục hành chính và tương tác với người dân. "Điều này không chỉ giúp xây dựng hình ảnh chính quyền năng động mà còn giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, nguồn lực của xã hội khi người dân chỉ cần ngồi tại nhà với một chiếc smartphone cũng có thể dễ dàng kiểm tra tình trạng hồ sơ, góp ý với các cơ quan nhà nước hoặc cập nhật những thông tin, chính sách, dự thảo luật mới nhất". Đại diện Zalo cho biết.
Dùng Zalo để tương tác giữa người dân và chính quyền mang đến nhiều tiện lợi
Đại diện VNG cho biết mục tiêu tiếp theo vẫn là tối ưu hóa sản phẩm để phục vụ nhu cầu liên lạc của người dùng Việt cũng như tiếp tục mang đến những tiện ích hữu dụng hơn cho cuộc sống hằng ngày.
Chính thức ra mắt vào 12.2012, Zalo có 1 triệu người dùng đầu tiên vào 3.2013. Sản phẩm này tiếp tục nhận được sự ủng hộ ổn định của người dùng Việt và đạt mốc 100 triệu người dùng sau 5 năm 5 tháng. Mỗi ngày ứng dụng đang giúp người dùng chuyển đi khoảng 900 triệu tin nhắn, 50 triệu phút gọi, 45 triệu hình ảnh.
Ngoài lãnh thổ Việt Nam, Zalo hiện đang là công cụ giao tiếp của cộng đồng người Việt khắp thế giới. Vào tháng 6/2016, Zalo bắt đầu phát hành phiên bản địa phương đầu tiên ở thị trường Myanmar và thu hút 2 triệu người dùng chỉ sau 4 tháng. Zalo đang là một trong ứng dụng giao tiếp phổ biến ở quốc gia này.
Theo Dân trí