5G Standalone (5G SA) và 5G Advanced dự kiến sẽ là những ưu tiên hàng đầu của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (CSP) trong thập kỷ này, khi họ triển khai các tính năng mới để tạo ra các dịch vụ tập trung vào giá trị.
Đây là phân tích được đưa ra trong ấn bản tháng 11.2024 của báo cáo di động Ericsson, với dự báo mở rộng đến cuối năm 2030. Trong đó, báo cáo cũng nêu ra tốc độ dữ liệu mạng di động dự kiến sẽ tăng gần gấp ba vào cuối năm 2030 so với mức hiện tại.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng các nhà cung cấp dịch vụ tiên phong hiện nay đang cung cấp các mô hình kết nối khác biệt, bảo đảm kết nối cao cấp không bị gián đoạn khi cần thiết, từ đó tạo ra các cơ hội kinh doanh và tăng trưởng mới.
Mạng 5G sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới
Gần 20% trong số khoảng 320 CSP đã thương mại hóa 5G đang triển khai 5G SA. Việc gia tăng mật độ các trạm phát sóng 5G SA và mở rộng băng tần tầm trung được xem là yếu tố then chốt để khai thác tối đa tiềm năng của 5G, bao gồm các tính năng mạng thông minh, có thể lập trình. Hiện tại, chỉ khoảng 30% trạm phát sóng trên toàn cầu triển khai 5G băng tần tầm trung. Dự báo, gần 60% trong số 6,3 tỉ thuê bao 5G toàn cầu vào cuối năm 2030 sẽ là thuê bao 5G Standalone (SA).
Lưu lượng dữ liệu di động toàn cầu dự kiến sẽ có sự thay đổi lớn, với mạng 5G chiếm khoảng 80% tổng lưu lượng dữ liệu di động vào cuối năm 2030, tăng mạnh từ mức 34% vào cuối năm 2024.
Fixed Wireless Access (FWA - truy cập không dây cố định) tiếp tục phổ biến trên toàn cầu và trở thành một trong những use case 5G lớn thứ hai, sau enhanced Mobile Broadband (eMBB - băng thông rộng di động nâng cao).
Tại 4 trong số 6 khu vực thị trường, hơn 80% các CSP đã triển khai FWA. Tỷ lệ nhà cung cấp FWA triển khai các gói cước theo tốc độ, với các thông số dữ liệu downlink và uplink tương tự như dịch vụ cáp hoặc cáp quang, đã tăng từ 30% lên 43% trong năm qua.
Tại khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, số lượng thuê bao 5G dự kiến sẽ đạt khoảng 680 triệu vào cuối giai đoạn dự báo. Các quốc gia như Úc, Malaysia, Singapore và Thái Lan sự tăng trưởng mạnh mẽ trong số lượng thuê bao 5G được thúc đẩy bởi việc mở rộng phạm vi phủ sóng của các nhà mạng, nhận thức ngày càng cao của người dùng về 5G, giá thành các thiết bị 5G ngày càng phải chăng hơn và các chiến lược khuyến mãi từ các nhà cung cấp dịch vụ.
Ở Việt Nam, 5G đã được thương mại hóa vào tháng 10.2024. Các thị trường 5G đã phát triển như Úc và Singapore tiếp tục tận dụng các khả năng tiên tiến của 5G để cung cấp các dịch vụ và use case mới. Các dịch vụ 5G cá nhân hóa cho doanh nghiệp đang được triển khai tại Úc khi các nhà cung cấp thử nghiệm và ra mắt các giải pháp kết nối theo yêu cầu. Lưu lượng dữ liệu di động trên mỗi điện thoại thông minh tại Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng mạnh từ 19 GB/tháng vào năm 2024 lên 39 GB/tháng vào năm 2030.
Rita Mokbel, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, chia sẻ: "Việc ra mắt dịch vụ 5G tại Việt Nam sẽ mang lại trải nghiệm mới cho người dùng và thúc đẩy quá trình số hóa của doanh nghiệp. Việt Nam đã xác định chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu và là động lực tăng trưởng quốc gia và Ericsson rất vui mừng được đồng hành cùng đất nước trong hành trình 5G này thông qua những hợp tác với các đối tác chiến lược như Viettel và VNPT".
Báo cáo cũng đề cập đến tác động của trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm cả ứng dụng AI tạo sinh đã được tích hợp trên các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, đồng hồ và các sản phẩm FWA. AI có thể ảnh hưởng đến lưu lượng mạng di động cả theo cổng uplink và downlink, thúc đẩy tăng trưởng lưu lượng vượt xa các dự báo hiện tại.
Theo Thành Luân/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/5g-thuc-day-so-hoa-doanh-nghiep-tai-viet-nam-185241204112644434.htm