Hàng tỷ dữ liệu người dùng được Google thu thập mỗi ngày và hãng dành chúng để phát triển các dịch vụ trực tuyến, AI.
Google có những máy chủ rất lớn để lưu trữ dữ liệu người dùng.
CEO của Facebook đã điều trần trước Quốc hội Mỹ tháng trước và tiết lộ một phần mục đích sử dụng dữ liệu mà họ thu thập được. Nhưng cho đến nay, hầu hết người dùng Google vẫn chưa rõ thông tin của mình được dùng như thế nào và với mục đích gì, có an toàn hay không.
Google hiện có hàng trăm sản phẩm và 7 trong số đó có lượng người dùng hoạt động đạt trên một tỷ mỗi tháng. Tất nhiên, chúng không thể không hoạt động nếu không có các thông tin do người sử dụng chúng cung cấp. Đó là điều giúp Google trở thành thương hiệu nổi tiếng và được đánh giá cao nhất thế giới, theo khảo sát của Morning Consult.
Thế nhưng, sau bê bối Cambridge Analytica khiến hàng chục triệu tài khoản Facebook bị lợi dụng, vấn đề an toàn thông tin cá nhân đang được quan tâm hơn bao giờ hết. Theo NBC News, những công ty phụ thuộc vào dữ liệu người dùng như Google, Facebook sẽ sớm bị tác động.
"Google đang thể hiện rằng mình đi đúng hướng. Tìm kiếm, hệ điều hành Android đang cho thấy hành vi cá nhân đang được tôn trọng, chính sách bảo mật đưa ra có vẻ đầy đủ. Nhưng tôi tự hỏi rằng giữa những gì hãng nói và hành vi thực tế liệu có giống nhau. Bạn thấy đấy, Facebook đã thể hiện điều đó rất tốt cho đến khi vụ Cambridge Analytica được đưa ra ánh sáng", David Yoffie, một giáo sư đang giảng dạy tại Harvard, đặt nghi vấn.
Nếu dùng Internet, có thể bạn đang sử dụng ít nhất một hoặc nhiều dịch vụ của Google, như Gmail, Android, YouTube, Google Drive, Google Maps, Google Search... và chúng được cung cấp miễn phí hoàn toàn. Nhưng như Tim Cook từng nói, nếu một dịch vụ trực tuyến miễn phí thì người mua chính là sản phẩm, Google đang làm điều đó bằng cách thu thập hàng gigabyte dữ liệu về bạn.
Theo CNBC, Google sẽ thu thập dữ liệu bằng nhiều cách khác nhau. Aaron Stein, phát ngôn viên của Google từng thừa nhận, hệ thống vẫn thường quét email của người dùng và nó được thực hiện mỗi ngày để cải thiện khả năng máy học, tùy chỉnh kết quả tìm kiếm, phát hiện thư rác cũng như phần mềm độc hại.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát dữ liệu người dùng còn được dùng để phân tích cho quảng cáo hướng mục tiêu. Điều này giúp công ty Mỹ kiếm được hơn 31 tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2018.
Nhưng không dừng lại ở đó, trong Google I/O, Pichai tiết lộ việc thu thập dữ liệu còn dùng để "xây dựng các giải pháp thông minh mang tính đột phá tiếp theo". Tính năng gợi ý viết email mà ông trình diễn tại sự kiện là một ứng dụng như vậy.
Oren Etzioni, Giám đốc Viện Trí tuệ Nhân tạo Allen, cho rằng trong tương lai, Google sẽ tiếp tục khai thác dữ liệu để không chỉ phục vụ cho các dịch vụ hiện tại mà còn hướng đến các hệ thống tích hợp AI, như Google Assistant. "Trên đường đến nhà bạn bè, chỉ cần nhắc đến 'tìm rượu', bạn có thể được trợ lý ảo gợi ý về những quán rượu đang mở cửa ngay trên tuyến đường đó mà không phải mất công tìm kiếm", Etzioni ví dụ.
Trong điều khoản người dùng, Google khẳng định không bán thông tin khách hàng, cũng như đưa vào các giải pháp ngăn chặn dữ liệu bị lợi dụng. Bên cạnh đó, công ty cũng tự động ẩn dữ liệu sau 18 tháng và cung cấp các công cụ để xóa chúng. Những nội dung thuộc danh mục nhạy cảm như niềm tin, sở thích tình dục hoặc những vấn đề cá nhân sẽ luôn được giữ bí mật, không tiết lộ cho các nhà quảng cáo.
Đối với người dùng, cách phổ biến nhất là thay đổi tùy chọn bên trong phần cài đặt của Google để hạn chế các quảng cáo không đáng có. Bên cạnh đó, cần thực hiện các tinh chỉnh để ngăn chặn việc bị theo dõi thông qua cookie, cũng như hạn chế quảng cáo nhắm mục tiêu dựa trên sở thích. Các dữ liệu cá nhân, bao gồm toàn bộ lịch sử tìm kiếm hay vị trí địa lý cũng cần xóa bỏ sau mỗi lần sử dụng dịch vụ.
Theo VnExpress