Việc phòng chống tấn công mạng, tội phạm mạng và ứng phó với những nguy cơ lộ lọt dữ liệu người dùng đã trở thành mối lo toàn cầu, được nhiều quốc gia xác định là nội dung cốt lõi trong bảo vệ, phát triển đất nước. Đây cũng là chủ đề chính được thảo luận tại Hội thảo triển lãm Quốc gia về An ninh bảo mật 2018 (Security World) diễn ra trong ngày hôm nay (5/4)
Trong những năm vừa qua, lĩnh vực CNTT tại Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Việc ứng dụng CNTT cũng dần trở thành ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò hết sức quan trọng và hết sức cần thiết dù là trong bất kỳ ngành nghề nào.
Tuy nhiên, chính sự kết nối thường trực đến từ các thiết bị xung quanh với mạng lưới Internet đã tạo ra những nguy cơ, rủi ro, gây mất an toàn thông tin diện rộng và có diễn biến gia tăng từ một vài năm gần đây.
Được sự chỉ đạo của Cục an ninh mạng, Bộ Công An, Cục ATTT thuộc Bộ TT&TT phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG Việt Nam), hôm nay (5/4) tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Hội thảo triển lãm Quốc gia về An ninh bảo mật 2018 (Security World) nhằm nắm bắt thực trạng an toàn, an ninh thông tin tại Việt Nam và các nước trong khu vực; cũng như là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp tiên tiến về an ninh bảo mật.
Phát biểu tại sự kiện, Trung Tướng - PGS.TS Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an khẳng định: "Không gian mạng đã và đang trở thành môi trường thuận lợi để các cá nhân, tổ chức khủng bố liên lạc, tuyển mộ lực lượng, gây quỹ, truyền bá tư tưởng cực đoan."
Theo Cục trưởng Hoàng Phước Thuận, trong năm 2017, Việt Nam phải đối mặt với 3 vấn đề mất an toàn, an ninh thông tin lớn mà trong đó, đáng chú ý là việc hàng loạt các cuộc tấn công mạng diễn ra với quy mô lớn, cường độ cao nhắm vào các lĩnh vực trong yếu cũng như các công trình quan trọng của quốc gia.
Từ đó thấy được việc phòng chống tấn công mạng, tội phạm mạng và ứng phó với những nguy cơ mới do đó đã trở thành mối lo toàn cầu, được nhiều quốc gia xác định là nội dung cốt lõi trong bảo vệ, phát triển đất nước.
Lộ lọt dữ liệu người dùng là mối lo lớn
Cục trưởng Hoàng Phước Thuận cho rằng việc bị lộ bí mật nhà nước, lộ thông tin cá nhân của người dùng Internet đang có những diễn biến hết sức đáng lo ngại trong thời gian qua, không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Cục trưởng dẫn chứng vụ Facebook để lọt dữ liệu cho một công ty thứ 3 khai thác trái phép liên quan tới 80 triệu tài khoản - chứ không phải 50 triệu như công bố ban đầu; đồng thời cho rằng môi trường mạng xã hội còn đối mặt với sự thiếu lành mạnh, nhiễu loạn thông tin, gây nhiều thiệt hại cho các tổ chức cá nhân.
"Hàng nghìn thông tin, hình ảnh có nội dung sai lệch, xấu độc, dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực, khủng bố tinh thần, lừa đảo được phát hiện, phát tán tự do trên không gian mạng. Trong đó có nhiều thông tin đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, gây hoang mang dư luận, xâm phậm tới an ninh, trật tự,... Đây là vấn đề nhức nhối đã và đang gây ảnh hưởng tới người dùng mạng", Cục trưởng Hoàng Phước Thuận phát biểu.
Cục trưởng Cục An ninh mạng Hoàng Phước Thuận phát biểu tại sự kiện.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng cục ATTT, Bộ TT&TT nhấn mạnh rằng vụ việc đã "gióng một hồi hồi chuông cảnh báo" không chỉ đối với các cơ quan quản lý, mà phần nào tác động mạnh tới nhận thức của mỗi người Việt Nam - vốn từ lâu đã không mấy quan tâm tới vấn đề này.
"Với đa số chúng ta, những người dùng Internet ở Việt Nam thì có lẽ chẳng ai quan tâm đến dữ liệu cá nhân, tôi nghĩ là như thế", ông Nguyễn Thanh Hải cho biết. "Chúng ta cung cấp các thông tin cá nhân của mình rất thoải mái, không hề đắn đo suy nghĩ gì cả. Tuy nhiên vụ Facebook sẽ nhắc chúng ta thấy được đây là một nỗi lo lớn."
Theo thống kê đến cuối năm 2017, Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia có nhiều người sử dụng mạng xã hội nhất trên thế giới (mà chủ yếu là Facebook). Cục trưởng Hoàng Phước Thuận khẳng định bên cạnh những tiện ích hữu dụng và những thông tin tích cực, thì người dùng Internet Việt Nam, nhất là giới trẻ gồm thanh niên, học sinh, thậm chí là trẻ em, vẫn đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ Facebook.
Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Thanh Hải cho rằng vụ việc lộ lọt dữ liệu của hơn 80 triệu người dùng của Facebook đã gióng hồi chuông cảnh báo không chỉ đối với các cơ quan quản lý mà phần nào tác động mạnh đến nhận thức mỗi người dùng mạng xã hội.
Được biết hồi đầu tháng 3/2018, Bộ Công An cũng đã công bố vụ triệt phá một đường dây tội phạm chuyên tổ chức đánh bạc, cá độ, rửa tiền qua mạng xuyên quốc gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Vụ việc này cho thấy cho dù hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, cổng trung gian thanh toán trực tuyến,.. phát triển mạnh nhưng công tác quản lý còn chưa theo kịp, thậm chí khá lỏng lẻo và nhiều sơ hở cho các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra một cách phổ biến.
"Mọi bông hồng đều có gai", IoT nhiều tiềm năng nhưng cũng dễ bị tấn công
Theo nhận định của ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Quốc gia (VNCERT) thì tình trạng lây nhiễm mã độc cũng đang trở nên đáng lo ngại. Các mã độc ngày càng tinh vi, phức tạp, đặc biệt là những mã độc đa mục đích - vừa mã hóa dữ liệu, vừa tống tiền, vừa ăn cắp dữ liệu. Điễn hình như mã WannaCry, giữa năm 2017, đã tấn công gần 250 doanh nghiệp Việt Nam, gây nhiều thiệt hại đáng kể.
Các số liệu thống kê cho thấy tính đến tháng 7/2017, có tổng cộng 6.303 vụ tấn công mạng trong 6 tháng đầu năm 2017. Việt Nam giảm 25 bậc, xếp hạng 100/193 về khả năng đảm bảo an ninh trên thế giới. Sang đến tháng 12, Việt Nam hứng chịu mã độc đào Bitcoin lây lan hơn 23.000 máy tính. Thiệt hại ghi nhận từ các vụ việc này cũng tăng 18,27% so với 2016, chạm mốc 12.300 tỷ đồng.
Sang tới 2018, Việt Nam tiếp tục lọp top 5 quốc gia bị tấn công DDoS nhiều nhất, theo Kaspersky Lab, khi có tới 170 website bị tấn công chỉ trong tuần nghỉ lễ Tết Nguyên Đán.
Security World 2018 có chủ đề “Tăng cường bảo mật dữ liệu và an ninh mạng trong thế giới kết nối”.
Bên cạnh đó, hiện nay Việt nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận cũng như kiểm soát các thiết bị IoT - vốn được cho là nền tảng cốt lõi cho Cuộc cách mạng 4.0, nhưng tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật vì có nguồn tài nguyên hạn chế, lại ít được cảnh giác bởi đa số người dùng, tổ chức.
Theo ông Mika Lauhde, Phó Chủ tịch về An ninh mạng và quyền riêng tư của Huawei thì IoT chính là động lực tăng trưởng mới cho các nhà khai thác viễn thông. Ông trích dẫn dự báo của Huawei đến năm 2020 và 2025, số lượng IoT kết nối qua mạng viễn thông sẽ tương ứng là 3,8 và 35 tỷ kết nối, mang lại doanh thu cho các nhà mạng lần lượt là 38 tỷ USD (chiếm 2% tổng doanh thu), và 400 tỷ USD (chiếm 20% tổng doanh thu).
"Mọi bông hồng đều có gai", ông Mika Lauhde cảnh báo. "Các năng lực mới sẽ làm nảy sinh ra những thách thức mới. Vạn vất kết nối sẽ khiến diện bị tấn công lớn hơn, dễ bị tổn thương hơn; Các nền tảng mở và chia sẻ nguồn lực sẽ khiến các biên giới phòng vệ truyền thông mờ nhạt hơn; và lượng dữ liệu lớn hơn sẽ làm tăng nguy cơ rò rỉ và tổn hại nhiều hơn."
Theo Nguyễn Nguyễn/Dân trí