Hoàn toàn không phải "tay mơ", nhưng các tên tuổi lớn như Facebook hay Google vẫn liên tục bị dư luận lên tiếng vì không kiểm soát, lọc bỏ được các thông tin không phù hợp xuất hiện bên trong dịch vụ của mình.
Đóng vai trò là những mạng chia sẻ thông tin lớn nhất toàn cầu hiện nay, YouTube và Facebook đều đang gặp phải những vấn đề "đau đầu" về kiểm duyệt nội dung.
Chưa khi nào mà ngành nội dung số lại gặp phải những vấn đề về tính xác thực của thông tin, cũng như mức độ phù hợp của chúng dựa trên những độ tuổi nhất định như khoảng từ 1-2 năm trở lại đây.
Cách đây ít hôm, mạng xã hội Facebook gặp vấn đề ở công cụ gợi ý tìm kiếm khi vô tình đưa ra gợi ý là các video lạm dụng trẻ em, nội dung khiêu dâm,... khiến dư luận vô cùng bức xúc. Trước đó, kênh truyền hình NBC News của Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích rằng Facebook ngày nay không mang lại giá trị cho publisher, cho rằng họ không thể kiểm duyệt thông tin mà chỉ khắc phục sau sự cố bằng cách xóa bỏ.
Nội dung không phù hợp xuất hiện ở phần gợi ý nội dung tìm kiếm trên Facebook.
Facebook cũng từng công khai xin lỗi người dùng nhiều lần trong quá khứ, chủ yếu đến từ khả năng lọc bỏ thông tin yếu kém của mình. Bên cạnh đó, mạng xã hội này vẫn còn ẩn chứa nhiều hoạt động được cho là vi phạm như tuyên truyền chống phá chính phủ, rao bán/trao đổi các mặt hàng cấm như súng đạn, ma túy, tiền giả,... hay cho phép các hội nhóm lừa đảo được hoạt động mà không tuân theo quy định của pháp luật.
Một ông lớn khác là YouTube cũng liên tục gặp phải chỉ trích từ cộng đồng mạng, mà mới đây nhất là ứng dụng YouTube Kids của họ bị phát hiện chứa nhiều nội dung không phù hợp cho trẻ em trong độ tuổi 3-8 tuổi. Trong đó có nhiều video được làm sai sự thật và ẩn chứa thuyết âm mưu, thí dụ như tuyên bố Trái Đất hình phẳng, con người hạ cánh lên mặt trăng là giả, hay hành tinh này được cai trị bởi một giống bò sát lai con người.
Trên kênh YouTube Kids xuất hiện nhiều nội dung không phù hợp, bao gồm cả những video khoa học được giải thích theo các thuyết giả định.
Một thí dụ điển hình là khi tìm kiếm nội dung "UFO" trên YouTube Kids, thì bên cạnh những món đồ chơi đĩa bay được làm cho trẻ nhỏ, thì vẫn thấy xuất hiện những nội dung giả mạo được đưa lên top ở phần tìm kiếm, điển hình như video ghi lại cảnh UFO xuất hiện trên đường phố, hay các video giải thích lý thuyết trừu tượng, chưa được khoa học chứng minh.
Một vài video không xuất hiện khi trực tiếp tìm kiếm, nhưng lại nằm trong mục đề xuất khi trẻ tìm hiểu về các nội dung này. Đây được cho là một vấn đề lớn bởi nó ảnh hưởng tới nhận thức, lối tư duy của trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Nhiều video không xuất hiện khi tìm kiếm trực tiếp, nhưng lại nằm trong phần đề xuất của YouTube Kids.
Các video đề xuất có nội dung liên quan tới các thuyết giả định về vũ trụ, người ngoài hành tinh,... vẫn xuất hiện trong mục đề xuất của YouTube Kids được cho là không phù hợp với trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, YouTube đã gỡ bỏ các nội dung trên sau khi được một vài tờ báo liên hệ và đề xuất. Đại diện của YouTube Kids cho biết họ "đôi khi bỏ sót một vài nội dung không phù hợp", tuy nhiên vẫn tiếp tục nâng cao trải nghiệm của dịch vụ này.
Người dùng Internet Việt Nam nên cảnh giác khi cho con em sử dụng mạng xã hội, YouTube
Ngày nay, trẻ em tiếp xúc với các tin tức trên báo, các đoạn video trên YouTube và các trang mạng xã hội như Facebook từ rất sớm. Do vậy, bạn cần trang bị cho bé những kĩ năng để “tự vệ” trong môi trường này.
Một trong những cách hữu hiệu để nắm bắt thói quen tìm kiếm, nhằm kịp thời ngăn chặn thông tin xấu độc đến với trẻ đó là khuyến khích để trẻ kể cho bạn nội dung đã đọc và xem trên mạng. Bên cạnh đó, cần tích cực dạy cho trẻ biết cách chọn lọc thông tin, loại bỏ nội dung xấu, độc hại trước khi có ý định chia sẻ chúng.
Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực làm việc để kiểm soát chặt nội dung đến từ YouTube, Facebook. Bộ trưởng TT&TT cho biết, trong năm 2017, Facebook đã gỡ bỏ 107 tài khoản giả mạo; 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Trong khi đó Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng 4.500 video clip xấu độc trên trang Youtube trong tổng số khoảng 5.000 video clip theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. |
Theo Nguyễn Nguyễn/Dân trí