Dù biết mức phạt rất nặng nhưng một số doanh nghiệp bán lẻ vẫn vô tư bán SIM đã kích hoạt sẵn tại TPHCM.
Mua dễ dàng, đến là có!
Năm 2017 được đánh dấu là một năm quyết liệt của Bộ Thông tin & Truyền thông trong việc giải quyết vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác đã diễn biến phức tạp nhiều năm qua.
Thống kê của Bộ cho biết, trong năm 2017 đã có trên 24 triệu SIM kích hoạt sẵn đã bị xử lý, hơn 300 triệu tin nhắn rác đã được các nhà mạng tiến hành ngăn chặn. Điều này đã thể hiện một nỗ lực rất lớn không chỉ của các đơn vị quản lý nhà nước mà nó còn thể hiện sự quyết tâm, cùng phối hợp để ngăn chặn tình trạng này của các nhà mạng viễn thông di động.
Theo thống kê năm 2017 của Tổng Cục thống kê, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 127,4 triệu thuê bao, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số thuê bao di động đạt 119,7 triệu thuê bao, giảm 1,3%; số thuê bao Internet băng rộng cố định ước tính đạt 10,8 triệu thuê bao, tăng 18,7%. Việc giảm thuê bao di động là do các nhà mạng thực hiện thu hồi sim rác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điều này cũng phản ánh đúng thực tế khi Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 24/4/2017. Nghị định mới có những quy định rất nghiêm ngặt và những hình phạt nặng đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Đây được xem là động thái cứng rắn của chính quyền trong việc đẩy lùi nạn tin nhắn rác, SIM rác, gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như an ninh thông tin, an ninh quốc phòng.
SIM kích hoạt sẵn vẫn bán thoải mái tại TPHCM
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù biết đang vi phạm và bị phạt rất nặng nhưng một số doanh nghiệp vẫn bất chấp và bán SIM đã kích hoạt sẵn.
Để tìm hiểu thông tin, phóng viên Dân trí đã liên hệ một doanh nghiệp bán SIM trên Internet. Chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, nhân viên đã giao đầy đủ số lượng 3 SIM MobiFone để sử dụng mà không đòi hỏi bất cứ chứng minh nhân dân hay các thông tin cá nhân. Khi được hỏi về các dòng SIM khác, nhân viên này cho biết, nếu muốn mua gói của VinaPhone thì giá rẻ hơn chút và chỉ cắm vào là sử dụng ngay, không cần đăng ký. Nhân viên này cũng cam kết bảo hành SIM nếu bị trục trặc trong lúc sử dụng.
Sáng 14/3, dạo quanh một số điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố, ghé vào một cửa hàng bán lẻ di động lớn để hỏi mua Thánh SIM của nhà mạng Vietnamobile. Tại đây, đơn vị này đưa ra một lốc SIM với hàng chục số SIM có sẵn cho người dùng lựa chọn. Tuy nhiên, khi đã lựa chọn xong SIM để mua sắm, thì nhân viên hướng dẫn khách hàng sang kế toán để thanh toán thay vì yêu cầu cung cấp chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ để thực hiện việc giao kết hợp đồng.
Nhân viên bán hàng này cho biết, đây là SIM đã kích hoạt từ đầu tháng, do đó chỉ cần bỏ vào sử dụng ngay. Nếu muốn đăng ký thì đến các cửa hàng của Vietnamobile để thực hiện việc đăng kí lại.
Bất chấp quy định, vẫn vô tư bán
Sau 12 tháng kể từ ngày Nghị định 49 có hiệu lực, tức vào ngày 24/4/2018 tới đây, doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định này.
Nghị định cũng quy định rất rõ, doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn và yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ mà thông tin chưa đúng quy định cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu.
Trong đó, những điểm kinh doanh cung cấp dịch vụ viễn thông bán SIM thuê bao di động sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng khi bán và lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước. Đồng thời, cũng bị phạt tương tự với việc mua bán và trao đổi hoặc sử dụng SIM, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước của SIM thuê bao....
Tuy nhiên, chỉ còn hơn 1 tháng nữa, nhưng tình hình về việc quản lý thông tin cũng như giao kết hợp đồng mới theo mẫu vẫn còn đang được nhiều doanh nghiệp buông lỏng trong việc quản lý, khiến cho các dòng SIM kích hoạt sẵn được bày bán thoải mái tại TPHCM.
Việc tự ý bán SIM kích hoạt sẵn đang là hành vi vi phạm pháp luật, là căn nguyên cho sự hình thành của tin nhắn rác, tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như an ninh thông tin, an ninh quốc phòng. Tin rác thậm chí còn là công cụ của tội phạm, khủng bố…
Đây thực sự là một thực trạng còn tồn đọng mà đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Phải chăng vì lợi nhuận còn rất cao nên nhiều doanh nghiệp vẫn "phớt lờ" quy định này.
Nghị định 49 của Chính phủ quy định rõ, nếu giả mạo; sử dụng giấy tờ cá nhân, tổ chức khác để thực hiện giao kết hợp đồng thuê bao SIM sẽ bị phạt từ 200 đến 500 ngàn đồng. Đối với người dùng chuyển quyền sở hữu SIM mà không đăng kí lại thuê bao cũng bị phạt tương tự. Như vậy, việc
Theo khoản 5, Điều 15, thông tin thuê bao gồm số thuê bao, thông tin;trên giấy tờ tùy thân của cá nhân, bao gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người có quốc tịch Việt Nam).
Đối với tổ chức, thông tin trên giấy tờ của tổ chức, bao gồm: tên tổ chức; địa chỉ trụ sở giao dịch; thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và thông tin trên giấy tờ tùy thân của mỗi cá nhân thuộc tổ chức tương ứng với số thuê bao mà tổ chức giao cho cá nhân đó sử dụng (trường hợp tổ chức giao cho người sử dụng).
Thông tin đăng kí còn có thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước).
Theo Gia Hưng/Dân trí