Ngày 9-10, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định 1132 phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Chiến lược đặt ra mục tiêu đến 2025 phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga/cảng biển/sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G.
Đưa vào khai thác tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới. Hình thành các trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI Data Center). Trung bình mỗi người dân có 1 kết nối Internet vạn vật (IoT - Internet of Things)…
Phủ sóng 5G đến 99% dân số vào năm 2030
Mục tiêu đến năm 2030, 100% người sử dụng có khả năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên; Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số; Xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G.
Triển khai và đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt tối thiểu 350 Tbps. Tỉ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%...
Với mạng di động 5G, Chiến lược đặt ra nhiệm vụ tập trung mở rộng vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ, trong đó tập trung ở khu vực hành chính công; khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch trọng điểm; cơ sở y tế các trường cao đẳng, đại học…
Phát triển mạng di động 5G và các thế hệ tiếp theo. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm triển khai các công nghệ mới trong quá trình phát triển hạ tầng số như mạng di động 6G, Open RAN, mô hình dữ liệu mở…
Sẵn sàng tần số triển khai công nghệ thế hệ tiếp theo (công nghệ di động 6G; wifi thế hệ mới; vệ tinh...)
Bộ TT-TT có trách nhiệm chủ trì tổ chức triển khai thực hiện, triển khai các hệ thống giám sát, quản lý, đo lường, đánh giá phát triển hạ tầng số bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược này.
Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất hoặc ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hạ tầng số; phát triển thị trường cho thuê mạng viễn thông, mua lưu lượng; tăng cường dùng chung hạ tầng kỹ thuật liên ngành và giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Hiện, mạng di động 5G chưa chính thức triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, đã có 3 nhà mạng là Viettel, VNPT và MobiFone trúng đấu giá băng tần dành cho 5G.
Theo Thuỳ Linh/ Người lao động
https://nld.com.vn/phu-song-5g-den-99-dan-so-viet-nam-vao-nam-2030-196241009192253506.htm