Một trong những thói quen phổ biến của nhiều người trước khi đi ngủ là lướt smartphone cho đến khi giấc ngủ đến. Họ cho rằng đó là phương pháp thư giãn, nhưng điều này liệu có tốt cho sức khỏe?
Nhiều người có thể trả lời là không, tuy nhiên tạp chí Sleep Medicine Reviews nổi tiếng lại cho rằng không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy ánh sáng từ màn hình smartphone làm suy giảm nghiêm trọng giấc ngủ. Nhưng cụ thể ra sao? Hãy cùng tìm hiểu.
Sử dụng điện thoại trước khi ngủ là một thói quen khá phổ biến
Đầu tiên, trong một phát biểu với Wired, Giáo sư khoa học thần kinh sinh học Stuart Peirson của Đại học Oxford (Anh) cho biết: “Có bằng chứng cho thấy việc sử dụng smartphone gần giờ đi ngủ ảnh hưởng đến giấc ngủ và nhịp sinh học là không đúng. Kết quả nghiên cứu được đề cập chỉ ra rằng việc nhìn vào màn hình có thể trì hoãn giấc ngủ trung bình khoảng 10 phút. Mặc dù trì hoãn giấc ngủ nhưng nó không hẳn gây ảnh hưởng quá lớn”.
Thêm vào đó, mặc dù có nhiều ý kiến tin rằng màn hình smartphone có hại cho việc sản xuất melatonin, vốn đóng vai trò như một loại “hormone ngủ”, tuy nhiên một nghiên cứu phản bác lại cho rằng đèn điện ở nhà cũng có thể gây hại cho việc sản xuất melatonin hơn đèn màn hình smartphone.
Điều này không có nghĩa việc sử dụng smartphone trước khi ngủ thực sự tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, nghiên cứu cho thấy với độ sáng ở giá trị tối thiểu, việc sử dụng smartphone vào ban đêm không có hại lắm.
Dẫu vậy, Peirson cho biết sự tác động của việc sử dụng smartphone trước khi ngủ sẽ liên quan đến những gì người dùng thấy trên smartphone. Do đó, Pierson nói điều quan trọng là phải biết cách chọn chủ đề xem trước khi đi ngủ. Chuyên gia đến từ Đại học Oxford cho biết: “Vấn đề lớn hơn nhiều có thể là nội dung được xem. Đọc email công việc liên quan đến deadline sắp đến rõ ràng sẽ gây ra cảm giác lo lắng - điều có liên quan mật thiết đến chứng mất ngủ”.
Hãy giảm độ sáng màn hình để tránh tác động đến giấc ngủ
Báo cáo cũng chỉ ra trẻ em có xu hướng nhạy cảm hơn với ánh sáng tương tự như ánh sáng trên smartphone, vì vậy việc sử dụng smartphone trước khi đi ngủ là điều ít được khuyến khích đối với trẻ nhỏ. Một xu hướng khác mà chúng ta thấy ở trẻ và người lớn là tập trung vào màn hình dẫn đến chứng “khô” mắt.
Dựa trên các nghiên cứu được trình bày, câu trả lời là sử dụng smartphone ban đêm không nhất thiết có hại. Điều đó không có nghĩa sử dụng smartphone vào ban đêm là tốt, nhưng cũng không có nghĩa nó gây hại cho sức khỏe của người dùng. Vì lý do này, nếu sử dụng smartphone trước khi ngủ là thói quen mà người dùng thích thì tốt nhất nên giảm độ sáng càng nhiều càng tốt. Cùng với đó là tìm kiếm sự cân bằng, từ thời gian nhìn vào màn hình cho đến nội dung mà mình xem trên smartphone.
Theo Kiến Văn/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/su-dung-smartphone-truoc-khi-ngu-co-thuc-su-gay-hai-185240811221955346.htm