Nội dung độc hại trên mạng xã hội có thể dẫn tới nhiều hệ lụy nhưng vẫn thường xuyên được đẩy lên đề xuất nhằm câu kéo người xem, "tăng view".
Thời gian qua, nội dung độc hại, thông tin sai sự thật vẫn là những vấn đề nổi cộm trên mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Facebook, TikTok, dù đã có sự vào cuộc nhằm chấn chỉnh của cơ quan chức năng. Theo kết quả rà soát của Cục Phát thanh, Truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố năm 2023, mạng xã hội TikTok tại Việt Nam vướng nhiều lỗi nghiêm trọng như không có biện pháp kiểm soát hiệu quả đối với nội dung vi phạm, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí gây nguy hiểm.
Nội dung độc hại, phạm pháp, sai sự thật vẫn tràn lan trên TikTok
Báo cáo cũng chỉ ra TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả nhằm ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc...
Gần một năm sau khi có kết luận thanh, kiểm tra từ cơ quan quản lý, những nội dung độc hại vẫn tràn lan trên nền tảng này mà không thấy, hoặc có rất ít sự can thiệp từ phía doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Nhiều video xấu, sai sự thật, trục lợi đã xuất hiện, tồn tại rất lâu trước khi bị chính người dùng lên tiếng, phản đối khiến chủ sở hữu video phải đăng nội dung đính chính, xin lỗi hoặc xóa video nhằm che giấu sự sai trái của mình.
Thanh Niên đã liên hệ TikTok Việt Nam nhằm làm rõ cách thức kiểm soát nội dung trên nền tảng này trong công tác bảo vệ người dùng, cũng như tác động của các thuật toán giúp ích trong việc phát hiện nội dung tiềm ẩn rủi ro tới người dùng. Tuy nhiên, đáp lại rất nhiều câu hỏi được đưa ra, đại diện TikTok Việt Nam tỏ ra "kiệm lời" và chỉ hồi đáp với nội dung chung chung, không đi vào trọng tâm những thắc mắc được đặt ra.
Theo đó, người đại diện khẳng định: "TikTok luôn nỗ lực trao quyền để người dùng tự do chia sẻ sự sáng tạo, kiến thức và niềm đam mê đến với cộng đồng. Tuy nhiên, khi nhận thấy nội dung vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng hay các chính sách của TikTok, chúng tôi sẽ tiến hành xóa nội dung, bất kể nội dung đó được đăng công khai hay riêng tư". Ngoài ra người đại diện này không cung cấp thông tin nào khác.
Việc "xóa nội dung" của TikTok cũng không thực sự rõ ràng khi có rất nhiều video với nội dung độc hại, sai sự thật vẫn tồn tại nhiều ngày, thậm chí hàng tuần sau khi được đăng tải, tiếp cận cả chục nghìn người xem, cho thấy công cụ kiểm soát của nền tảng không mang lại hiệu quả cần thiết trong việc kiểm soát thông tin sai phạm.
TikTok lảng tránh trả lời cụ thể vào các biện pháp bảo vệ người dùng trên nền tảng tại Việt Nam
Dù được hỏi, TikTok không đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào tới người dùng trong việc nhận diện và cẩn trọng trước các thông tin chưa được kiểm chứng; sản phẩm hoặc dịch vụ tiềm ẩn rủi ro với sức khỏe của bản thân.
Đối với những nội dung bị cho là vi phạm nhưng chủ tài khoản đã xóa khỏi trang cá nhân, TikTok Việt Nam không công bố hình thức xử lý, đồng thời im lặng trong biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc chia sẻ nội dung độc hại, sai sự thật đó trước khi bị xóa. Với sức mạnh của mạng xã hội, khả năng lan tỏa của video, hình ảnh, văn bản rất mạnh mẽ, chỉ cần ít phút sau khi đăng lên, bài chia sẻ đã có thể bị tải về, chụp hình hoặc đăng lại (chia sẻ) bằng nhiều cách thức khác nhau.
Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn xuất hiện tại những quốc gia khác trên thế giới. Lo ngại các nội dung độc hại, không phù hợp... được chia sẻ và phát tán nhanh chóng trên TikTok, cùng với đó là nỗi lo ngại xâm phạm quyền riêng tư và đánh cắp dữ liệu người dùng nên nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã cấm TikTok như Ấn Độ, Afghanistan, Nepal, Somali, Pakistan, mới đây là Mỹ. Những nơi cấm quan chức chính phủ cài TikTok lên máy gồm: Úc, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, New Zealand, Vương quốc Anh, Na Uy, Liên minh châu Âu.
Theo Anh Quân/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/tiktok-viet-nam-noi-gi-khi-nguoi-dung-chia-se-noi-dung-doc-hai-18524080809320384.htm