Việc tự lắp ráp máy tính (PC) đã trở thành một niềm đam mê của nhiều người và trong quá trình này một số đã dùng đến một thành phần để "tô điểm" cho PC của mình dưới dạng RAM giả.
RAM này về cơ bản trông giống với các thanh bộ nhớ thông thường. Mọi người có thể cắm chúng vào khe RAM, bật nguồn và chúng sẽ sáng lên nếu đó là loại có đèn RGB (đổi màu). Tuy nhiên, không có bất kỳ chip nhớ nào trên thanh RAM đó, số lượng bộ nhớ của máy tính cũng không tăng lên và tất nhiên mọi người sẽ không được hưởng bất kỳ lợi ích thực tế nào từ đó. Các thanh RAM giả này được bán trên thị trường dưới nhiều tên khác nhau, nhưng có lẽ được biết đến nhiều nhất là Light Enhancement Kit.
Sự khác biệt giữa thanh RAM giả (dưới) và thật CHỤP MÀN HÌNH
Nhưng vì sao lại cần đến RAM giả? Về cơ bản, mọi thứ đều liên quan đến tính thẩm mỹ. Hầu hết các bo mạch chủ chính thống đều có 4 khe cắm bộ nhớ và một số thậm chí có thể có 6 khe cắm cho thiết lập ba kênh. Vấn đề là hầu hết mọi người thực sự không cần nhiều RAM đến vậy, do đó nhiều người có thể không lấp đầy tất cả các khe cắm để tránh lãng phí tiền vào bộ nhớ mà mình không cần.
Ví dụ, nếu chỉ cần 32 GB bộ nhớ RAM, bộ kit 2x16 GB sẽ hoàn thành tốt công việc. Giải pháp thay thế là mua bộ kit 4x8 GB để lấp đầy cả 4 khe cắm. Tuy nhiên, có thể không dễ để tìm được RAM có kích thước và thông số kỹ thuật phù hợp. Ngoài ra, chi phí cho mỗi GB bộ nhớ thường thấp hơn khi dung lượng thanh RAM càng cao. Hơn nữa, người dùng có thể muốn có tùy chọn nâng cấp lên RAM nhiều hơn vào một ngày nào đó mà không muốn lãng phí tiền vào bộ nhớ ngay bây giờ khi phải loại bỏ nó sau này.
Trong khi đó, những khe cắm trống này khiến máy tính trông chưa hoàn thiện và một số người coi chúng là vật chướng mắt. Thậm chí, việc sử dụng các thanh RAM giả cũng có thể là một cách khiến máy tính trông như trang bị phần cứng mạnh mẽ.
Việc sử dụng RAM ảo khiến hệ thống trông trở nên bắt mắt hơn CHỤP MÀN HÌNH PCMAG
Hãy nghĩ đến RAM giả như một bộ ống xả giả trên những chiếc ô tô hiện đại như là một cách để cho chiếc xe của mình trông trở nên "ngầu hơn".
Bên cạnh đó, mặc dù RAM giả không có chức năng sử dụng nào liên quan đến hiệu suất của PC nhưng nếu người dùng thích đèn RGB, nó vẫn hoạt động để trang trí cho hệ thống, thậm chí có thể lập trình để tăng cường ánh sáng. Ngoài ra, nó cũng có thể được sử dụng như một vật bảo vệ nhằm ngăn bụi và các chất bẩn khác xâm nhập vào các khe RAM trống.
Cũng chính vì điều này, người dùng cũng nên thận trọng khi mua RAM hoặc máy tính đã qua sử dụng. Hãy đảm bảo mình đang mua là một RAM thật chứ không phải chỉ là bộ đèn.
Theo Kiến Văn/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/ly-do-nhieu-nguoi-thich-gan-ram-gia-cho-pc-tu-lap-rap-185240801104239895.htm