Việc giá DRAM và NAND liên tục tăng trong thời gian qua giúp các nhà sản xuất chúng kiếm về khoản lợi nhuận kỷ lục với mức tăng khổng lồ như trong báo cáo mới nhất.
Theo báo cáo, doanh thu ngành công nghiệp DRAM và NAND dự kiến tăng lần lượt là 75% và 77% trong năm 2024. Cụ thể, doanh thu chip DRAM dự kiến đạt 90,7 tỉ USD trong năm nay, tăng 75% so với năm 2023. Xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2025 khi doanh thu DRAM dự kiến tăng 51% để đạt 136,5 tỉ USD. Sự bùng nổ doanh thu lớn này được thúc đẩy bởi một số yếu tố, bao gồm giá sản phẩm DRAM tăng, với mức tăng trung bình 53% trong năm 2024 và dự kiến tăng thêm 35% vào năm 2025.
Chip DRAM và NAND ngày càng phổ biến trong các thiết bị tiêu dùng
Đối với chip NAND, doanh thu của ngành dự kiến tăng 77% lên 67,4 tỉ USD trong năm nay. Đến năm 2025, doanh thu chip NAND sẽ tăng thêm 29%, lên mức 87 tỉ USD. Sự gia tăng mạnh này được cho là do việc áp dụng công nghệ flash QLC trong SSD doanh nghiệp và bộ nhớ UFS trong smartphone, cùng với sự phục hồi nhu cầu máy chủ cũng như tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, mức giá tăng trong các sản phẩm SSD tiêu dùng cũng mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà sản xuất.
Sự tăng trưởng lợi nhuận là tin mừng cho các nhà sản xuất DRAM và NAND nhưng lại là tin không vui dành cho người tiêu dùng. Theo đó, giá SSD tiêu dùng đã tăng trung bình hơn 50% so với trước đây, khiến việc mua RAM và SSD ngày càng đắt hơn. Việc tăng giá cũng không chỉ ảnh hưởng đến RAM và SSD mà còn tất cả các thiết bị tiêu dùng như smartphone, tablet, laptop… Ngày nay, hầu như mọi thiết bị điện tử tiêu dùng đều có chip DRAM hoặc NAND nào đó, vì vậy mọi thứ sẽ ngày càng đắt đỏ hơn.
Theo Kiến Văn/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/cac-nha-san-xuat-kiem-bon-tien-nho-gia-dram-va-nand-lien-tuc-tang-185240802093744338.htm