Dữ liệu cá nhân được ví như "dầu mỏ" trong bối cảnh internet kết nối toàn cầu nhưng theo đại diện Bộ Công an, người dân Việt Nam vẫn chủ quan trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên này.
Phát biểu tại buổi hội thảo Hướng dẫn và Giải đáp thắc mắc về Nghị định 13/2023/NĐ-CP diễn ra sáng 23.11 ở Hà Nội, thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi - Phó trưởng phòng Tham mưu Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an cho biết Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, nơi internet đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều vấn đề, trong đó dữ liệu được đánh giá là nguồn tài nguyên quý giá.
"Dữ liệu cá nhân đơn lẻ không phải vấn đề nhưng nếu là tập hợp của cộng đồng, của quốc gia thì là tài sản rất quý. Đây là nguồn dữ liệu số vô cùng quan trọng trong kỷ nguyên thông tin, đặc biệt là chuyển đổi số", thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi nhấn mạnh.
Lộ, lọt dữ liệu đang là vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam CTV
Tuy nhiên, lãnh đạo phòng Tham mưu của A05 cũng đánh giá hiện nay hoạt động tấn công mạng diễn ra phổ biến và Việt Nam thường xuyên nằm trong danh sách bị tin tặc "nhòm ngó". Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam rất nghiêm trọng, trong đó có 2 yếu tố chính là tội phạm đột nhập và đánh cắp dữ liệu cá nhân.
Tính riêng từ đầu năm 2023, Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu vụ có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân. Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết riêng với doanh nghiệp, việc để lọt lộ dữ liệu sẽ mang đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như việc thất thoát thông tin nội bộ, cơ sở dữ liệu khách hàng, mã hóa dữ liệu để tống tiền gây ảnh hưởng đến hoạt động, chịu tổn hại kinh tế, mất uy tín, đối mặt với nguy cơ pháp lý...
Theo ông Sơn, doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam hiện cần những giải pháp tổng thể để phòng, chống nguy cơ bị xâm nhập, cài mã độc gián điệp, lấy cắp cơ sở dữ liệu khách hàng, tài liệu nội bộ, mã hóa dữ liệu quan trọng. Tuy nhiên việc mua bản quyền chương trình nước ngoài có thể tốn vài tỉ đồng, là khoản chi phí không nhỏ với quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Cũng tại hội thảo, ông Vũ Ngọc Sơn giới thiệu giải pháp tổng thể NCSOC giám sát an ninh mạng 24/7 cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm từ phần mềm nền tảng, hạ tầng công nghệ đến dịch vụ vận hành, cho phép kết nối tất cả trong một, giám sát thành phần hệ thống mạng... qua đó phát hiện sớm và ngăn chặn các nguy cơ tấn công mạng. "NCSOC sẽ là lời giải kỹ thuật cho các doanh nghiệp, tổ chức đáp ứng yêu cầu của Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân", ông Sơn nói.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/mua-ban-du-lieu-ca-nhan-dang-la-van-de-nghiem-trong-tai-viet-nam-185231123140217752.htm