Sách 'Sử dụng hiệu quả màn hình tương tác Aikyo' giúp giáo viên, học sinh khai thác tính năng của màn hình tương tác, phục vụ cho việc dạy và học.
Giáo viên trong một bài giảng giả định với màn hình tương tác. Ảnh: Mạnh Tùng
Vừa qua, tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM ra mắt cuốn sách "Sử dụng hiệu quả màn hình tương tác Aikyo".
Đây là tài liệu hỗ trợ, giúp thầy cô giáo, học sinh sử dụng màn hình tương tác Aikyo hiệu quả.
Ngoài phần hướng dẫn các thao tác mang tính kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn giáo viên, học sinh sử dụng hiệu quả màn hình thông qua việc sử dụng học liệu số trực tuyến, học liệu số sẵn có, tăng cường tính trực quan sinh động.
Màn hình tương tác Aikyo được trang bị đầy đủ các phần mềm, công cụ hỗ trợ để các thầy cô giáo xây dựng kế hoạch giảng dạy, thiết kế bài dạy, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Màn hình này cũng được tích hợp các học liệu thuộc tất cả cấp học của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM.
ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, đại diện nhóm tác giả giới thiệu cuốn sách với giáo viên. Ảnh: Mạnh Tùng
Theo nhóm tác giả cuốn sách, chuyển đổi số được nhắc đến nhiều vào năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số được nhắc đến nhiều nhất khoảng năm 2018.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", xác định giáo dục là một trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trước tiên.
Bộ GD&ĐT cũng ban hành Quyết định số 4725/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2022 ban hành "Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên" để hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
Tại buổi giới thiệu cuốn sách, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, ngành giáo dục thành phố đang tập trung, đầu tư các trang thiết bị phù hợp, nhằm đảm bảo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việc ra mắt tài liệu trên góp phần làm phong phú hoạt động giảng dạy, bài soạn, giáo án điện tử. Từ đây, các thầy cô có thể làm phong phú kho học liệu số của các đơn vị trường học và của ngành giáo dục.
Theo ông Dũng, sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý giáo dục, nhà trường, các đơn vị phát triển công nghệ nhằm thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục là hướng đi đúng, phù hợp với chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, TPHCM.
Theo Mạnh Tùng/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/ra-mat-tai-lieu-huong-dan-su-dung-bang-tuong-tac-cho-giao-vien-post659346.html