Đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số, ưu tiên các nền tảng số trong nước.
Chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp mang tính sống còn của báo chí trong thời đại số. Đó là một giai đoạn cao hơn trong tiến trình thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sau tin học hóa, số hóa và online - điện tử hóa báo chí.
Vận hành tòa soạn hội tụ
Ở các giai đoạn trước, các cơ quan báo chí chỉ mới số hóa cách sản xuất và phát hành nội dung báo chí. Ở giai đoạn hiện nay, báo chí CĐS là chuyển toàn bộ hoạt động báo chí lên nền tảng số, gắn với online, đám mây và ứng dụng các công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối…
Ở cấp vĩ mô, nhà nước đã xác định CĐS báo chí nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Mục tiêu của Chính phủ đối với báo chí Việt Nam là đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về CĐS báo chí; 100% cơ quan báo chí có giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.
Nhiều tác phẩm báo chí hiện được phát hành trên internet dạng trang web và mạng xã hội. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tăng độ tương tác với độc giả
Ở cấp địa phương, UBND TP HCM hôm 17-10 cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, TP HCM sẽ tập trung phát triển các sản phẩm báo chí trên nền tảng số. Cụ thể: thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả. Phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả; ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong việc tự động hóa để thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung. Đồng thời, xây dựng, triển khai các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí; xây dựng chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành CĐS báo chí. Thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng phát thanh số (trực tuyến) và nền tảng truyền hình số (trực tuyến) quốc gia; nền tảng báo chí điện tử.
Thúc đẩy phát triển nền tảng số cho các cơ quan báo chí thực hiện phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí; khuyến khích cơ quan báo chí có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính xây dựng nền tảng riêng đáp ứng yêu cầu CĐS. Hỗ trợ các cơ quan báo chí đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tại các cơ quan báo chí…
UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành liên quan hỗ trợ các cơ quan báo chí TP HCM trong quá trình CĐS. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các nền tảng số do Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển hỗ trợ các cơ quan báo chí CĐS; phối hợp với các đơn vị kết nối doanh nghiệp công nghệ số với các cơ quan báo chí; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực của các cơ quan báo chí. Sở Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật có liên quan nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình CĐS của các cơ quan báo chí thành phố...
Từ mấy năm trước, giữa vòng vây truyền thông xã hội và truyền thông điện tử, các cơ quan báo chí đã tự nỗ lực tiến hành những bước đầu CĐS báo chí. Kết quả là sự ra đời ngày càng nhiều hơn của những tòa soạn hội tụ và sự đa dạng hóa loại hình báo chí. Tờ báo không chỉ có bản in, bản online mà còn có cả video, Podcast... phát hành trên internet dạng trang web và mạng xã hội. |
Theo Anh Phúc - Phan Anh/ Người lao động
https://nld.com.vn/cong-nghe/thuc-day-ho-tro-bao-chi-chuyen-doi-so-20231024213519983.htm