Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu, cũng như chưa tìm ra được giải pháp phù hợp với quy mô, mô hình phát triển của đơn vị mình.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản xuất thông minh và thực hiện chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo một khảo sát của Bộ Công thương, mức độ sẵn sàng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của đơn vị sản xuất công nghiệp tại Việt Nam đang ở mức thấp với điểm trung bình toàn ngành là 0,53/5.
Doanh nghiệp lúng túng không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu
Cụ thể, năng lực tiếp cận hạn chế ở cả sáu trụ cột gồm: Chiến lược và Tổ chức; Nhà máy thông minh; Vận hành thông minh; Dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu; Sản phẩm thông minh và Người lao động.
Còn theo kết quả một khảo sát từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), có tới 92% số doanh nghiệp được hỏi cho biết có nhu cầu chuyển đổi số song chưa biết bắt đầu từ đâu, thực thi như thế nào.
Về thách thức, có 3 yếu tố là rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số gồm: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; Chi phí, thời gian, nguồn lực; Cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức. Bảo mật thông tin là thách thức thứ 4 cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chuyển đổi số ITG DX, đánh giá: "Nền sản xuất công nghiệp Việt Nam có một đặc thù riêng về quy mô, quan điểm quản trị và văn hóa doanh nghiệp. Vấn đề lớn nhất của các đơn vị là không biết nên bắt đầu từ đâu và làm chuyển đổi số như thế nào. Ngay cả những nhà máy lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp hùng hậu về tiềm lực vẫn đang loay hoay lựa chọn hướng chuyển đổi".
Theo ITG DX, trong bối cảnh Việt Nam thiếu hụt nhân lực có trình độ công nghệ và tự động hóa cao, việc lan tỏa các thông tin, kiến thức chuẩn mực của thế giới giúp mỗi doanh nghiệp gia tăng mức độ trưởng thành về tư duy và kỹ năng khi tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là điều kiện cần thiết đầu tiên để doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình triển khai vào thực tiễn.
Việc áp dụng chuyển đổi số vào doanh nghiệp sẽ cần sự tư vấn, định hướng tầm nhìn và đồng hành từ các chuyên gia để đưa ra được những chiến lược cụ thể, quy hoạch lộ trình phù hợp với quy mô, nhu cầu từng đơn vị. Tiến trình này không chỉ giúp tiến hành chuyển đổi số phù hợp với đặc thù nguồn lực của từng doanh nghiệp, từng giai đoạn, mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro và tránh lãng phí tới môi trường, năng lượng… khi doanh nghiệp mở rộng về quy mô.
Kết quả các nghiên cứu tại Việt Nam cũng tương đồng với khảo sát "The State of Digital Adoption 2022 - 2023" (Thực trạng ứng dụng chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2023) do WalkMe thực hiện trên quy mô toàn cầu với sự tham gia của gần 1.500 lãnh đạo doanh nghiệp đang có trên 500 nhân sự nhưng lại hiểu rất ít về chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp dường như vẫn gặp vướng mắc trong việc hiểu và áp dụng thực tiễn.
Có tới 70% người đứng đầu đơn vị không xác định chính xác ai đang chịu trách nhiệm cho vấn đề ứng dụng công nghệ mới trong doanh nghiệp của mình. Khoảng 67% thừa nhận đang gặp "áp lực khủng khiếp" để thúc đẩy chuyển đổi số.
Trong khi đó, 60% giám đốc điều hành thừa nhận các chương trình quản lý thay đổi của họ "không còn phù hợp với mục đích". Điều này cho thấy nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không biết về chuyển đổi số và chỉ ậm ừ khi được đặt câu hỏi khảo sát. Nhưng họ cũng bày tỏ lo lắng rằng thiếu hiểu biết về các ứng dụng mới trong thời đại số sẽ gia tăng rủi ro cho doanh nghiệp.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/doanh-nghiep-viet-con-lung-tung-chuyen-doi-so-post1517245.html