Trong khi nhu cầu phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo rất nhiều, số lượng nhân lực có chuyên môn lại thiếu phần lớn và việc đào tạo chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ.
Trí tuệ nhân tạo (AI) và nguồn nhân lực Việt đáp ứng cho nhu cầu phát triển lĩnh vực này trên cả nước đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở mọi doanh nghiệp, tổ chức. Tuy cơ hội có rất nhiều, Việt Nam vẫn trong "cơn khát" những người có thể đảm đương được công việc liên quan tới AI.
AI được quan tâm nhưng số lượng sinh viên đăng ký học ngành này vẫn rất thấp
Theo tiến sĩ Đinh Minh, chủ nhiệm cấp cao chương trình thạc sĩ trí tuệ nhân tạo (Đại học RMIT), hiện ngành AI đang phát triển rất nhanh và sâu nên khó để tìm được chuyên gia có đủ kiến thức về lĩnh vực này như Machine Learning (máy học), ngôn ngữ... để theo kịp xu thế. "Trong khi đó, việc đào tạo AI hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng", ông Đinh Minh nhấn mạnh tại phiên thảo luận diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội AI4VN ngày 22 và 23.9 tại Hà Nội.
Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam Nguyễn Xuân Hoài cho rằng thiếu hụt nguồn nhân lực AI đang là 1 trong 3 khó khăn hàng đầu của các đơn vị trong quá trình làm việc. Theo ông, AI dần trở thành một ngành công nghiệp và là một nghề, do đó thiếu hụt nhân lực không chỉ là khó khăn của Việt Nam nói riêng, mà cả thế giới nói chung, nhưng thừa nhận tình trạng này ở trong nước là "khá lớn".
"Do việc phát triển nhanh và sâu nên rất khó tìm được một người giỏi AI toàn diện. Từ đó thấy rằng cần đào tạo các kỹ năng về từng lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo và xây dựng mô hình AI trên dữ liệu chỉ là công việc khá nhỏ trong cả một tiến trình. Để đưa AI trong thực tế gồm rất nhiều công đoạn, đòi hỏi kỹ năng, nghề nghiệp khác nhau", ông Nguyễn Xuân Hoài chia sẻ.
Những năm vừa qua, các trường đại học tại Việt Nam đào tạo nhiều chuyên ngành khác nhau, nhưng số sinh viên đăng ký vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu lại thấp nhất trong ngành khoa học công nghệ thông tin. "Phải chăng do chúng ta nói về nghề AI cao siêu, chung chung nên phụ huynh và học sinh khó có lựa chọn, từ đó thiếu lại càng thiếu", lãnh đạo Viện AI Việt Nam đặt câu hỏi.
Dưới góc nhìn một chuyên gia quốc tế, ông Anissh Pandey - Giám đốc NVIDIA khu vực ASEAN cho rằng trong đào tạo AI, cơ sở hạ tầng, dữ liệu và nhân tài là quan trọng nhất. Hiện nay, chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đào tạo AI nhưng vị chuyên gia nhận định khoảng cách giữa phát triển AI và đào tạo AI ở Việt Nam "vẫn còn khá lớn" và thực tế việc đào tạo nhân tài trong lĩnh vực AI còn chưa bắt kịp.
"Việt Nam là quốc gia phát triển AI hàng đầu ở khu vực, tuy nhiên cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc khó thu hút nhân tài. Trong khi đó, các quốc gia khác như Singapore hay Thái Lan là những nước nằm trong 20 nước phát triển AI hàng đầu đều tập trung phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, thu hút nhân tài ở lĩnh vực này", ông Anissh Pandey đánh giá.
Trên thế giới, AI đang tiếp tục chứng tỏ tính ưu việt khi mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, tổ chức. Theo báo cáo mới nhất từ Accenture công bố đầu tháng 6.2022, hơn 60% doanh nghiệp trong mảng Tài chính - Ngân hàng đang thử nghiệm AI và các đơn vị thuộc những ngành nghề khác cũng tìm đến công nghệ trí tuệ nhân tạo. Các công ty này đã thành công bước đầu khi đạt mức doanh thu cao hơn 50% so với các đối thủ cạnh tranh nhờ ứng dụng AI. Trong khi đó, nhân sự ở lĩnh vực này thường có mức thu nhập lớn cũng như cơ hội phát triển bản thân cao hơn mặt bằng chung.
Theo Anh Quân/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/nhan-luc-tri-tue-nhan-tao-viet-nhu-muoi-bo-be-post1502689.html