Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo những bức ảnh tuyệt vời không còn lạ lẫm đối với nhiều người. Điều đó làm dấy lên câu hỏi rằng liệu AI có giành lấy phần việc của những họa sĩ thực thụ hay không?
Công chúa Bạch Tuyết và bảy chú lùn phiên bản Halloween - Ảnh: Mid Journey
Vậy chính xác thì nghệ thuật AI là gì? Đây là một hình thức sáng tạo hình ảnh dựa trên các miêu tả càng chi tiết càng tốt đến từ người dùng, AI sẽ xử lý các miêu tả và trả về hình ảnh trong vài giây.
Kết quả không phải lúc nào cũng như những gì người dùng mong muốn, mà đôi khi còn hơn thế nữa. Những thuật toán AI nằm ngoài sức tưởng tượng ngông cuồng nhất của bất kỳ ai.
Một mặt, nghệ thuật do AI tạo ra là một trong những phát minh vĩ đại nhất của lịch sử hiện đại. Nhưng mặt khác, nó đặt ra câu hỏi liệu rằng nghệ thuật AI có phải là nghệ thuật đích thực? Hình ảnh cuối cùng có phải là sản phẩm sáng tạo của người miêu tả? Ai có quyền sở hữu đối với tác phẩm? Chúng ta có nên coi trọng nó hơn những tác phẩm nghệ thuật tương tự nhưng tốn nhiều thời gian, công sức và kỹ năng hơn không?
Nhiếp ảnh gia Pye Jirsa, đồng thời cũng là một doanh nhân, đã đưa ra một số điểm thú vị dưới góc nhìn của một doanh nhân thành đạt, về cách 99% những người nghệ sĩ chọn không theo đuổi những thay đổi công nghệ đã bị hủy hoại và đào thải.
Anh cũng đặt câu hỏi làm thế nào để thế hệ tương lai sẽ coi trọng và dành thời gian để học bất kỳ loại hình nghệ thuật cụ thể nào, khi AI chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đã có thể đơn giản tạo ra những thứ tuyệt vời và phức tạp, vượt xa những thành tựu mà con người đạt được trong nhiều thập kỷ cố gắng.
Tất nhiên, việc học một môn nghệ thuật luôn đem lại những giá trị nhất định như để giải trí, giải tỏa cảm xúc hay khám phá sự sáng tạo của chính mình.
Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn tồn đọng ở đó, rằng "nghệ thuật AI sẽ thay đổi cách chúng ta sử dụng, tiêu thụ và đánh giá nghệ thuật trong tương lai như thế nào?".
Trong khi đó bà Anne Ploin, nhà nghiên cứu tại Viện Internet Oxford và là thành viên của nhóm các nhà nghiên cứu phân tích tác động tiềm ẩn của AI đối với công việc sáng tạo, cho rằng các chương trình nghệ thuật dùng AI sẽ không thay thế được nghệ thuật đích thực. Thay vào đó, các chương trình này sẽ hỗ trợ bằng cách cho phép các nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm chất lượng cao trong một khoảng thời gian ngắn.
Ploin nói thêm rằng yếu tố con người trong quy trình sáng tạo sẽ không sớm biến mất, bởi vì mặc dù một số giai đoạn trong quy trình sáng tạo có thể được thay thế bằng AI, nhưng về mặt ý tưởng thì AI không thể thay thế con người được.
Sáng tạo nghệ thuật bao gồm việc lựa chọn chất liệu, lên ý tưởng sáng tạo cũng như quyết định thông điệp mà tác phẩm truyền tải. Không một cỗ máy AI nào có thể đưa ra những quyết định này mà không có sự trợ giúp của con người.
Ngoài ra, nghệ thuật còn được dùng để phản ánh hiện thực, các chủ đề có thể bao gồm từ chính trị, tôn giáo, môi trường cho đến thế giới quan nói chung. Vì vậy, những thứ này sẽ không thể được tái tạo bằng AI mà không có sự hỗ trợ của người nghệ sĩ đích thực.
Dưới đây là một số tác phẩm tranh cho AI thực hiện:
Hai phiên bản của bức vẽ "Người phụ nữ Ấn Độ" - Ảnh: Mid Journey
"Đường đến địa ngục" theo phong cách của họa sĩ MC Escher - Ảnh: Mid Journey
Theo Thái Ý/ Tuổi trẻ
https://congnghe.tuoitre.vn/khi-tri-tue-nhan-tao-am-lan-vao-hoi-hoa-20220819191632731.htm