Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ tiếp tục được trình để lấy ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 tới đây. Vấn đề được nhận được sự quan tâm của nhiều người dân đối với dự án Luật đó là quy định về việc quản lý cư trú từ phương thức thủ công (bỏ sổ hộ khẩu giấy) sang phương thức quản lý dân cư bằng mã số định danh. Báo Lao Động có cuộc trao đổi với thượng tá - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03) Bộ Công an - Nguyễn Thị Quế Thu về lộ trình, lợi ích của thay đổi này.
Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp - Bộ Công an trao đổi về lợi ích của quản lý dân cư bằng mã số định danh. Nguồn: CAND
Thưa bà, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy để quản lý dân cư bằng mã số định danh sẽ được thực hiện theo lộ trình như thế nào?
- Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin; cụ thể là quản lý cư trú bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ quan, tổ chức và công dân có thể khai thác, sử dụng để phục vụ giao dịch dân sự, giải quyết các thủ tục hành chính…
Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9 (tháng 6.2020) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 11.2020); trong đó, xác định thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành nếu được thông qua là ngày 1.7.2021.
Theo đó, từ ngày 1.7.2021, việc quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu sẽ được thay thế hoàn toàn bằng phương thức quản lý điện tử mới qua mã số định danh cá nhân được xác lập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Vậy Bộ Công an đã có kế hoạch gì để triển khai?
- Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11.3.2020 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trong đó, xác định thời gian thực hiện dự án là đến năm 2021.
Bộ Công an có Kế hoạch số 82/KH-BCA-C06 ngày 4.3.2020 về triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xác định việc hoàn thành, đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu này trên toàn quốc từ ngày 1.7.2021, phù hợp với thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Cư trú (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua.
Thưa bà, việc quản lý dân cư bằng mã số định danh sẽ có những thuận lợi gì cho người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước?
- Việc quản lý cư trú theo phương thức mới bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ có những thuận lợi đối với công dân và cơ quan quản lý nhà nước như sau:
Đối với công dân:
Một là, công dân được giảm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú, như được bỏ hoàn toàn 7 thủ tục: Cấp đổi Sổ Hộ khẩu; Cấp lại Sổ Hộ khẩu; Cấp giấy chuyển hộ khẩu; Cấp đổi Sổ Tạm trú; Cấp lại Sổ Tạm trú; Điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Tạm trú; Gia hạn tạm trú.
Đồng thời, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.
Hai là, công dân được giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan (như chi phí sao y chứng thực), cấp, cấp đổi, cấp lại các giấy tờ có liên quan nếu bị mất, hỏng…
Ba là, công dân được tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của bản thân và cấp giấy tờ xác nhận về cư trú theo yêu cầu chính đáng của mình; được cơ quan đăng ký, quản lý cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trên Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo yêu cầu chính đáng của mình.
Đối với các cơ quan nhà nước:
Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư và giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc khai thác dữ liệu về dân cư, giảm nguồn lực, chi phí để thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân.
Hai là, giảm chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, giấy tờ tại cơ quan hành chính nhà nước.
Ba là, giúp tăng cường công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng.
Bốn là, giúp việc kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội được thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Sổ hộ khẩu hiện nay đang được sử dụng vào nhiều các giao dịch, vậy khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, thì mọi giao dịch trước đây của người dân sẽ như thế nào?
- Khoản 3 Điều 42 Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội đã quy định rõ các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Như vậy, mọi hợp đồng, giao dịch trước đây công dân có sử dụng thông tin trong Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú vẫn được bảo đảm giá trị và không bị tác động bởi Luật Cư trú (sửa đổi).
- Xin trân trọng cảm ơn Phó Cục trưởng V03!
Theo Việt Dũng/Lao động (thực hiện)
https://laodong.vn/thoi-su/nhieu-loi-ich-cho-nguoi-dan-khi-bo-so-ho-khau-giay-837004.ldo