Chiều 15-1, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân rời Hà Nội, thẳng tiến điểm đến đầu tiên trong chuyến công du lần này là Ba Lan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân vẫy tay chào trước khi vào chuyên cơ đến 3 nước châu Âu - Ảnh: ĐOÀN BẮC
Ba Lan, Cộng hòa Czech và Thụy Sĩ là ba nước mà Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam công tác từ ngày 15 đến 23-1.
Củng cố quan hệ song phương
Dự kiến người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ thăm chính thức Ba Lan từ ngày 16 đến 18-1, theo lời mời của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Chuyến đi diễn ra khi chỉ còn vài tuần nữa là đến cột mốc 75 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 4-2.
Trả lời báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải cho biết chuyến đi lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự đánh giá cao của Việt Nam đối với các nước bạn bè truyền thống ở Trung và Đông Âu, trong đó có Ba Lan.
Chuyến thăm càng có ý nghĩa khi từ ngày 1-1-2025, Ba Lan giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam và EU cũng đang kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hướng tới việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
"Chuyến thăm của Thủ tướng đến Ba Lan góp phần thúc đẩy việc thông qua vai trò của Ba Lan tại EU để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Ba Lan nói riêng, Việt Nam - EU nói chung", Đại sứ Hà Hoàng Hải khẳng định.
Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Joanna Skoczek thì tin tưởng chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ, thúc đẩy các mối quan hệ kinh doanh giữa hai nước.
"Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về những thành tựu của mình trong quá trình chuyển đổi xanh, bao gồm tái chế, giảm phát thải, xử lý nước, năng lượng tái tạo... Vì vậy, tôi kỳ vọng thấy nhiều cuộc trao đổi theo hình thức B2B, từ đó thúc đẩy đàm phán kinh doanh và ký kết hợp đồng trong những tháng tới", bà Joanna Skoczek chia sẻ.
Lễ tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tại sân bay Nội Bài - Ảnh: ĐOÀN BẮC
Mở ra các cơ hội hợp tác mới
Nhận định chung về chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá chuyến đi có ý nghĩa cả về mặt song phương lẫn đa phương.
Các hoạt động song phương của Thủ tướng Thụy Sĩ, đối tác có vị trí quan trọng hàng đầu trong Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong những lĩnh vực tài chính, phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Ý nghĩa từ góc độ đa phương cũng sẽ được thể hiện tại Thụy Sĩ khi người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos.
Hội nghị năm nay có chủ đề "Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh", với sự tham dự của hơn 3.000 lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới.
"Thủ tướng sẽ truyền tải những thông điệp quan trọng về quyết tâm, khát vọng và tầm nhìn của Việt Nam hướng đến các mục tiêu phát triển chiến lược trong 20 năm tới", bà Hằng thông tin.
Đồng thời, đây cũng là dịp để cộng đồng quốc tế và các doanh nghiệp lớn được trực tiếp trao đổi với Thủ tướng.
Từ đó, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), đầu tư cho đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, ứng dụng AI trong sản xuất thông minh, phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, ứng dụng AI và các công nghệ mới trong ngành y tế và dược phẩm...
Theo Duy Linh/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-va-phu-nhan-len-duong-cong-du-3-nuoc-chau-au-20250115154436192.htm