Sáng 20/11, Quốc hội sẽ bấm nút biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình lên 60 với nữ, 62 với nam.
Các đại biểu sẽ lựa chọn một trong hai phương án lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam và 4 tháng với lao động nữ.
Phương án 2, từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Theo Thường vụ Quốc hội, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được đề xuất tăng dần hàng năm nhằm tránh gây "sốc" cho thị trường lao động, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội. Kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cũng là mỗi năm tăng tuổi hưu ba tháng.
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại nghị trường. Ảnh: Ngọc Thắng
Tuy nhiên, không phải mọi người đều nghỉ hưu ở độ tuổi như nhau. Người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn dựa trên 3 tiêu chí: công việc, sức khỏe và địa bàn làm việc. Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã rà soát, nghiên cứu và đưa vào danh mục khoảng 1.810 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm với khoảng 3 triệu người sẽ được quyền nghỉ hưu sớm.
Cũng có những người sẽ được nghỉ hưu muộn hơn ở cả khu vực doanh nghiệp và khu vực công. Khu vực doanh nghiệp do thị trường quyết định. Người lao động có thể nghỉ hưu khi đủ đủ điều kiện, song cũng có thể tiếp tục làm việc nếu có nhu cầu và được thị trường chấp nhận. Còn khu vực công thì chủ yếu áp dụng đối với người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao theo 3 nguyên tắc là cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng; và có đủ sức khỏe đáp ứng công việc.
Mốc tăng tuổi hưu lên 60 với nữ, 62 với nam được Thường vụ Quốc hội đánh giá là bảo đảm sự phù hợp với quy mô, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm do tác động của quá trình già hóa dân số, tỷ lệ người phụ thuộc đang tăng lên (44,4% vào năm 2019). Trong khi đó, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người dân càng tăng (tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi; và cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới là 72 tuổi).
Theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, tuổi nghỉ hưu của đa số các quốc gia là từ 60 trở lên đối với nữ, 62 trở lên đối với nam và đang trong xu thế tăng hơn nữa lên hơn 65 tuổi trong tương lai. Mức tăng tuổi nghỉ hưu đề xuất trong dự thảo Bộ luật lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam là mức thấp so với tuổi nghỉ hưu phổ biến của các nước trên thế giới.
Theo Hoàng Thùy/VnExpress
https://vnexpress.net/thoi-su/quoc-hoi-chot-tuoi-nghi-huu-4014848.html?