Già hóa dân số khiến lực lượng thanh niên đã giảm từ hơn 23,4 triệu người năm 2018 còn hơn 20 triệu người (năm 2024).
Già hóa dân số khiến cả nước đã giảm hơn 3 triệu thanh niên trong 6 năm qua - Ảnh: VŨ TUẤN
Người trẻ không dám sinh con vì áp lực kinh tế
Lực lượng thanh niên giảm, khiến cả nước đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động trẻ, áp lực chi phí lao động cao và khó khăn trong đổi mới công nghệ.
Đây là vấn đề được đưa ra tại hội nghị Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ 4, diễn ra sáng nay 10-1 ở Hà Nội.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy nêu ra một số tác động lớn cần xây dựng chính sách cho thanh niên hiện nay.
Trong đó nổi lên là các vấn đề già hóa dân số, tác động của cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi nghề, khởi nghiệp và các chính sách khác về thanh niên.
Anh Huy nêu vấn đề lực lượng thanh niên đang bị giảm nghiêm trọng. Từ năm 2018 đến nay, số thanh niên đã giảm hơn 3 triệu người. Đây là mức giảm khiến đất nước phải đối mặt với nhiều nguy cơ.
Anh Bùi Quang Huy, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (trái) và anh Nguyễn Tường Lâm - chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam chủ trì hội nghị - Ảnh: VŨ TUẤN
Anh Huy cho hay những thành phố lớn như TP.HCM, mức sinh giảm còn 1,3 con/phụ nữ (mức sinh thay thế phải đạt 2,1 con/phụ nữ). "Ở Hà Nội, TP.HCM, các thành phố lớn khác, các cặp vợ chồng trẻ mất cân đối chi tiêu không dám sinh con" - anh Huy nói.
Học quá nhiều nhưng không được rèn luyện thể lực
Thảo luận tại phiên họp, ông Phạm Vũ Quốc Bình - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho hay công tác thanh niên trong thời gian tới cần đặc biệt quan tâm đến 2 đối tượng là học sinh, sinh viên và người lao động trẻ.
Ông cho rằng đã có các chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hay Ủy ban Dân tộc..., nhưng trên thực tế các chương trình này chưa thực sự trở thành chính sách có tác động mạnh mẽ với học sinh, sinh viên và người lao động trẻ.
"Không còn cách nào khác là huy động lực lượng trẻ phải chuẩn bị cho tương lai bằng việc đào tạo. Trong đó phải thay đổi phương pháp giáo dục để lực lượng trẻ có tư duy sáng tạo cả về văn hóa, đạo đức, thể lực. Chứ tôi thấy lực lượng trẻ hiện nay… yếu quá" - ông Bình cho hay.
Ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay chương trình giáo dục hiện nay khiến học sinh, sinh viên bị quá nhiều áp lực. Ông Hiểu đề nghị Ủy ban Quốc gia về thanh niên quan tâm đến chính sách về giáo dục cho thế hệ trẻ theo hướng tiếp tục giảm tải chương trình học tập.
Trong đó giảm trang bị kiến thức, mà thay vào trang bị kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng sống và kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin.
"Chương trình giáo dục ở nhiều nước ngày nào cũng có môn rèn luyện thể lực, nhưng ở trong nước môn thể dục lại là môn phụ, thậm chí chỉ để đối phó. Đến khi làm việc, phần lớn lao động Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe, không chịu được áp lực công việc" - ông Hiểu nói.
Số thanh niên hiện tại chiếm 19,8% dân số cả nước. Thanh niên là lực lượng lao động trẻ, có trình độ cao, tiếp thu nhanh và đang được quan tâm đào tạo, định hướng để khởi nghiệp. Hội nghị lần thứ tư Ủy ban Quốc gia về thanh niên đã kiến nghị 9 vấn đề với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có một số chính sách về đào tạo nghề cho thanh niên, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, rà soát đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách đối với thanh niên... Đa số các đại biểu thống nhất kiến nghị phải thay đổi phương pháp giáo dục, đào tạo để lực lượng trẻ thích ứng với thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và già hóa dân số. |
Theo Vũ Tuấn/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/giam-hon-3-trieu-thanh-nien-vi-gia-hoa-dan-so-20250110135805004.htm