11
/
174978
Quản lý dạy thêm, phải trị bệnh tại căn
quan-ly-day-them-phai-tri-benh-tai-can
news

Quản lý dạy thêm, phải trị bệnh tại căn

Chủ nhật, 12/01/2025 | 09:21:00
71 lượt xem

Thông tư số 29/2024 tập trung các biện pháp hành chính như kiểm soát số lượng giờ dạy thêm, yêu cầu giáo viên đăng ký lớp học thêm với cơ quan chức năng, cấm việc dạy thêm trong một số trường hợp...

Học sinh đi học thêm tại một trung tâm ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tuy nhiên những biện pháp này dường như chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề, chứ chưa thực sự đi vào phần gốc rễ.

Để thực sự giảm thiểu những tác động tiêu cực của dạy thêm, cần một tư duy mang tính hệ thống, thay đổi cấu trúc và cơ chế vận hành của hệ thống giáo dục thay vì chỉ đơn thuần quản lý hiện tượng này.

Nhiều hệ lụy dạy thêm, học thêm

Dạy thêm và học thêm là một hiện tượng phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt tại Đông Á, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế dạy thêm và học thêm mang lại một số tác động tích cực như nâng cao thành tích thi cử của học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập bổ sung của một số đối tượng và tạo nguồn thu nhập thêm cho nhiều giáo viên.

Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích đó, dạy thêm và học thêm cũng gây ra các hệ lụy tiêu cực như gia tăng bất bình đẳng giáo dục, gây áp lực tài chính lên các gia đình nghèo, tạo sức ép tâm lý lên học sinh, và biến nhà trường thành "đấu trường" trong cuộc đua thành tích nặng về "học để thi" hơn là xây dựng năng lực tư duy và sự phát triển toàn diện.

Như Albert Einstein nói đại ý: "Chúng ta không thể giải quyết những vấn đề với cùng một suy nghĩ mà chúng ta đã sử dụng để tạo ra chúng", vấn đề dạy thêm không chỉ là câu chuyện về việc học thêm ngoài giờ, mà còn là biểu hiện của những vấn đề sâu xa trong hệ thống giáo dục hiện tại.

Dạy thêm tồn tại và phát triển mạnh mẽ vì nó đáp ứng một nhu cầu thiết yếu mà hệ thống giáo dục chính quy chưa giải quyết được.

Một hệ thống giáo dục dựa quá nhiều vào thành tích thi cử, đặt nặng các kỳ thi quyết định như thi vào lớp 10 công lập hoặc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, vô tình tạo ra áp lực cho học sinh và phụ huynh, khiến học thêm như một cứu cánh.

Việc này càng trầm trọng hơn trong bối cảnh số lượng trường lớp công lập ở thành phố không đủ để đáp ứng nhu cầu của học sinh, trường tư học phí cao, còn hệ thống trường nghề lại chưa đủ sức hút để trở thành con đường thay thế hấp dẫn.

Thay đổi cách thiết kế hệ thống giáo dục

Một giải pháp thực sự hiệu quả cho vấn đề dạy thêm phải bắt đầu từ việc đặt câu hỏi: Tại sao học sinh lại cần học thêm? Câu trả lời thường xoay quanh áp lực thi cử, sự thiếu tự tin vào hệ thống giáo dục chính quy, và kỳ vọng xã hội về việc đạt điểm cao hoặc vào các trường danh tiếng.

Như vậy trọng tâm của giải pháp không phải chỉ nằm ở việc kiểm soát dạy thêm, mà cần thay đổi cách thiết kế hệ thống giáo dục để giảm thiểu áp lực này - trách nhiệm này thuộc ngành giáo dục cấp trung ương và địa phương. Trong đó cần tập trung cải cách các kỳ thi, chuyển đổi cách đánh giá học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục trong trường học.

Để thay đổi, ngoài việc phải mở rộng quy mô, số lượng trường THPT công lập và tư thục còn cần xây dựng một hệ thống đánh giá toàn diện hơn, không chỉ dựa vào các bài kiểm tra kiến thức mà còn đánh giá kỹ năng mềm, khả năng tư duy và thành tích trong các hoạt động thực tế.

Các kỳ thi sáng tạo, bài kiểm tra dự án, hoặc đánh giá năng lực theo quá trình có thể là những bước tiến quan trọng để giảm bớt áp lực từ các kỳ thi truyền thống. Đặc biệt cải tiến cách đánh giá xét tuyển vào đại học.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào hệ thống giáo dục nghề và các lựa chọn thay thế cho con đường học vấn phổ thông truyền thống là một yếu tố then chốt. Hiện nay, tại Việt Nam, tâm lý chuộng bằng cấp và coi thường học nghề vẫn rất phổ biến. Tâm lý phân biệt giá trị bằng THPT và bằng trung cấp nghề còn phổ biến trong xã hội.

Vì vậy rất cần thay đổi thể chế để chỉ còn một loại bằng trung học có giá trị tùy theo nhu cầu sử dụng như hầu hết các quốc gia khác. Để khuyến khích học sinh và phụ huynh lựa chọn con đường học nghề cần nâng cao chất lượng đào tạo, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và tạo điều kiện để học sinh học liên thông.

Khi hệ thống giáo dục nghề trở nên hấp dẫn hơn, áp lực dồn lên hệ thống trường công lập phổ thông sẽ giảm, từ đó giảm bớt nhu cầu học thêm để cạnh tranh vào học các lớp 10 công lập.

Cuối cùng, sự khác biệt giữa trường công lập và tư thục cũng cần được thu hẹp. Ở Việt Nam, các trường công lập thường được coi là lựa chọn hàng đầu, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu học thêm gia tăng. Trong khi đó, các trường tư thục hoặc dân lập chưa được đầu tư đủ để trở thành những lựa chọn thay thế đáng tin cậy do học phí khá cao và chất lượng chưa hẳn tốt.

Vấn đề dạy thêm không thể được giải quyết một cách triệt để nếu chúng ta chỉ tập trung vào việc quản lý hiện tượng này. Thay vào đó cần một tư duy mang tính hệ thống, nhìn nhận dạy thêm như một biểu hiện của những bất cập lớn hơn trong hệ thống giáo dục.

Những cải cách sâu rộng từ xem xét lại Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chính sách thi cử, đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, thay đổi nhận thức xã hội và nâng cao chất lượng, phát triển trường trung học, đổi mới thể chế giáo dục là chìa khóa để giải quyết tận gốc vấn đề.

Văn hóa "học để thi"

Một trong những vấn đề cốt lõi là cách thi cử hiện nay. Các kỳ thi mang tính quyết định, như thi vào lớp 10 công lập hay kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đặt nặng sự cạnh tranh và biến điểm số thành mục tiêu cuối cùng của giáo dục. Điều này không chỉ khiến học sinh căng thẳng mà còn thúc đẩy văn hóa "học để thi" và "dạy để thi".

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/quan-ly-day-them-phai-tri-benh-tai-can-20250111081023652.htm

  • Từ khóa

Giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục đại học

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục đại học.
20:55 - 11/01/2025
375 lượt xem

Công bố danh sách cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng

Bộ GD&ĐT công bố danh sách cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm đã được kiểm định, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
14:22 - 11/01/2025
443 lượt xem

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Bổ sung nhiều điểm mới

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học được Bộ GD&ĐT đăng tải công khai, lấy ý kiến rộng rãi.
09:10 - 11/01/2025
669 lượt xem

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc thi lớp 10 không 'chốt cứng' 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu quy định thi lớp 10 với 3 môn toán, văn và tiếng Anh từ năm lớp 6, học sinh chỉ tập trung vào 3 môn thi này, không dành...
16:49 - 10/01/2025
1,050 lượt xem

Ba đối tượng được dạy thêm, học thêm trong trường

Theo quy định mới về dạy thêm, học thêm, có ba đối tượng được học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm những đối tượng này thuộc...
14:07 - 10/01/2025
1,136 lượt xem