Quy định thời hạn đến 99 năm thể hiện tính vượt trội trong chính sách đất đai tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt so với các khu kinh tế khác.
Sáng 11/1, tại Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khóa XIV, các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB). Vấn đề được quan tâm và nhận nhiều ý kiến từ dư luận và các đại biểu quốc hội là thời hạn cho thuê đất tại các Đơn vị HCKTĐB.
Phiên họp thứ 20 UBTV Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 10/1 đến 11/1.
Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, để tạo cơ chế thu hút đầu tư, các chính sách đất đai tại đơn vị HCKTĐB cần có sự hấp dẫn, vượt trội so với quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm cạnh tranh quốc tế nhưng cũng cần bảo đảm thận trọng, với mức độ ưu đãi hợp lý để tránh tình trạng lạm dụng, thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định thời hạn sử dụng đất tới 99 năm là quá dài, đề nghị giảm thời hạn sử dụng đất xuống còn 50 đến 70 năm và có thể gia hạn thêm hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành (tối đa là 70 năm).
Tại cuộc họp sáng 11/1, UBTVQH thảo luận nhiều nội dung liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB; các chính sách liên quan tới đất đai tại đơn vị HCKTĐB
Trong cuộc họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận thời hạn sử dụng đất tại các đơn vị HCKTĐB. Theo UBPL của Quốc hội (đơn vị trình Dự thảo Báo cáo) thì thời hạn 99 năm nhằm thể hiện tính vượt trội trong chính sách đất đai tại đơn vị HCKTĐB so với các khu kinh tế khác trong nước cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Hơn nữa, theo quy định của dự thảo Luật, thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm chỉ được áp dụng trong phạm vi hẹp, đối với một số dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và do Thủ tướng Chính phủ quyết định./.
Theo Hoàng Thái/VOV.VN