Theo Thượng tướng Lê Chiêm, DN quốc phòng có điều kiện phát triển thì cổ phần hóa, còn yếu kém thì giải tán.
Thảo luận tại tổ về dự thảo luật Quốc phòng (sửa đổi) sáng nay, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò - Phó Tư lệnh Quân khu 2 cho hay, vấn đề bộ đội làm kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chứ không riêng quân đội.
Hiện nay, bí thư, chủ tịch các tỉnh, các bộ ngành rất quan tâm, đặc biệt là việc xây dựng khu vực phòng thủ.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò - Phó Tư lệnh Quân khu 2. Ảnh: Minh Đạt
ĐB nhấn mạnh, kinh tế mạnh thì quốc phòng mới mạnh, còn kinh tế yếu kém thì quốc phòng cũng yếu kém.
“Quân đội tập trung chủ yếu nghiên cứu công nghiệp quốc phòng để sau này không chỉ bảo vệ mà còn xuất khẩu quốc phòng”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói.
Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong khẳng định việc quốc phòng phải gắn kinh tế và ngược lại, đây là nhiệm vụ chiến lược.
Tuy nhiên ông đề nghị trong các hành vi bị cấm cần bổ sung thêm: Lợi dụng phát triển kinh tế quốc phòng để tạo lợi ích nhóm, cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng đất đai, phương tiện kỹ thuật, nguồn lực quốc phòng không đúng mục đích để ngăn chặn tình trạng đã diễn ra thực tế thời gian qua.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu nhiều băn khoăn về vấn đề kinh tế quốc phòng. Theo ông, trong nghị quyết Đảng đã nói những gì lực lượng vũ trang không cần thiết làm chuyển sang các bộ ngành khác quản lý, dân sự hoá.
“Đề nghị lực lượng vũ trang không làm kinh tế thuần tuý vì lợi ích, lợi nhuận hoặc kinh doanh những điều không phục vụ cho lợi ích quốc phòng. Ví dụ như kinh doanh khách sạn, xây nhà ở để bán...”, ông Nghĩa nói.
ĐB đề nghị đưa vào nguyên tắc bộ đội vũ trang không làm kinh tế thuần tuý hoặc không làm các ngành nghề không phục vụ hoạt động quốc phòng.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì đề nghị các khu vực đóng quân kết hợp làm kinh tế nhưng chỉ là tham gia kinh tế chứ không phải kinh doanh thương mại làm công ty xây dựng, kinh doanh các mặt hàng kiếm tiền.
“Quỹ đất dành cho quốc phòng phải đúng mục đích, không được kết hợp sử dụng vấn đề khác”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Kinh tế quốc phòng là bất di bất dịch
Trao đổi thêm bên lề vấn đề này, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng đây là điều bất di, bất dịch.
Theo ông, tất cả các dự án lớn của quốc gia đều phải kết hợp kinh tế - quốc phòng. Tuy nhiên, các dự án đều phải thông qua thẩm định theo phân cấp cụ thể từ huyện, tỉnh đến cấp bộ.
Thứ trưởng Quốc phòng Lê Chiêm
Về lâu dài, các DN của quốc phòng chỉ làm kinh tế đơn thuần, không có yếu tố quốc phòng thì phải thay đổi hình thức hoạt động.
“Trong đề án đổi mới DN và đề án cổ phần hóa của quân đội cũng công bố rõ còn 17 DN vốn nhà nước. Số còn lại sẽ phải tập trung củng cố, anh nào có điều kiện phát triển thì cổ phần hóa, còn DN yếu kém, không làm được thì giải tán”, Thứ trưởng nói.
Tướng Lê Chiêm cho rằng, các DN lớn của Bộ Quốc phòng như tập đoàn Viettel, các xưởng đóng tàu là sự sống còn của quân đội. Các DN ngày góp phần lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội nên có vai trò vừa làm nhiệm vụ kinh tế vừa làm nhiệm vụ quốc phòng.
Trước đó vào tháng 6, dư luận phản ánh thông tin Thượng tướng Lê Chiêm cho rằng, đã có chủ trương quân đội sẽ không làm kinh tế, mà chỉ tập trung cho xây dựng quân đội chính quy hiện đại. Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, cách hiểu đó không đúng ý của ông.
“Tôi nói là quân đội không làm kinh tế đơn thuần. Ví dụ, ông làm kinh tế mà vi phạm luật pháp, vi phạm quy định của quân đội thì phải xử lý nghiêm túc và cương quyết giải thể”, tướng Lê Chiêm nói.
Theo Hương Quỳnh - Thuý Hạnh - Thu Hằng/Vietnamnet