Ngày 26/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Bình Thuận phải có chiến lược về khai thác, phát huy các tài nguyên du lịch
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận, sau đại dịch COVID-19, năm 2022 và quý I năm 2023, kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh, tương đối đồng đều trên cả 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 7,75%.
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cơ bản bày tỏ nhất trí với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam đánh giá cao sự phát triển của đảo Phú Quý so với thời gian trước, nhưng cho rằng sự phát triển ấy còn khiêm tốn. Đảo Phú Quý là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Do vậy cần có sự quan tâm đầu tư xây dưng cơ sở hạ tầng tốt hơn, phục vụ phát triển kinh tế biển đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Bình Thuận có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch, do đó cần đặc biệt chú trọng phát triển du lịch xanh, bền vững, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực, mang bản sắc riêng của tỉnh và làm tốt hơn nữa công tác quảng bá sản phẩm du lịch, có thể tổ chức định kỳ festival đối với một loại hình hoặc một sản phẩm du lịch cụ thể để tạo thương hiệu riêng.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị tỉnh Bình Thuận quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, nhất là hiệu quả giám sát; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho nhiệm kỳ tới.
"Chúng ta không ngại việc khó…"
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức rất thành công lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2023 với chủ đề "Bình Thuận – Hội tụ xanh".
"Hy vọng với sự khởi đầu Năm du lịch quốc gia như vậy, ngành du lịch của cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ có một năm 2023 phục hồi, bứt phá và khởi sắc", Chủ tịch Quốc hội nói.
Đánh giá phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận thời gian qua đã có nhiều đổi mới, đoàn kết, thống nhất, tạo nền tảng cho sự phát triển, Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương sự cố gắng, nỗ lực vượt khó và những thành tựu khá toàn diện của tỉnh Bình Thuận trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hoá, du lịch, chăm lo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân...
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có đánh giá, rà soát lại việc thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch, đề án, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh.
Đặc biệt, với HĐND tỉnh, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải chủ động vào cuộc, rà soát những vấn đề nào thực tiễn đang đặt ra đòi hỏi phải có chủ trương, quyết sách của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương thì tập trung làm, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vững chắc để tổ chức thực hiện.
"Chúng ta không ngại việc khó, càng khó thì càng phải đưa ra bàn thảo công khai, minh bạch, chặt chẽ để làm", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã tiến hành Kỳ họp bất thường để thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, do đó, các tỉnh phải khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch của tỉnh.
Bình Thuận cần tập trung hoàn chỉnh hồ sơ, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia để khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên cơ sở phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, phát triển các vùng động lực.
"Cần xác định rõ hơn trong từng trụ cột phát triển thì tập trung làm gì, phải tính toán, nghiên cứu, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, tạo lập năng lực sản xuất mới để định hướng phát triển và có chiến lược để thu hút đầu tư".
Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, với trụ cột công nghiệp thì tập trung vào những ngành, lĩnh vực nào vì Bình Thuận có không ít tiềm năng để phát triển công nghiệp.
Hay trong trụ cột nông nghiệp, phải tính toán các chuỗi giá trị lớn, như sản phẩm thanh long hiện đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thì chuỗi giá trị thanh long như thế nào? Phát triển nông nghiệp phải gắn với thuỷ lợi, nhất là trong điều kiện Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước.
Vượt qua "cái khô, cái khó, cái khổ" để bứt phá mạnh mẽ
Với trụ cột du lịch, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý tỉnh Bình Thuận phải có chiến lược về khai thác, phát huy các tài nguyên du lịch; tiếp tục cải thiện môi trường phát triển du lịch bao gồm cả về thể chế, hạ tầng mềm và hạ tầng cứng, sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch...
Cùng với đó, Bình Thuận phải tăng cường liên kết phát triển với các tỉnh trong khu vực, liên kết giữa các ngành kinh tế phát huy cao nhất thế mạnh rất quan trọng của Bình Thuận là "nút giao thông" kết nối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ với khu kinh tế trọng điểm Phía Nam; là "cửa ngõ" hướng biển của các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời là "cửa ngõ" giao lưu kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội giữa các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với các tỉnh vùng động lực kinh tế phía Nam.
Như vậy, liên kết kinh tế thế nào, liên kết du lịch ra sao phải tính toán rất kỹ trong bài toán quy hoạch của tỉnh, từ đó có chiến lược phát triển, thu hút các nhà đầu tư lớn để phát triển đồng bộ, hiện đại.
Đánh giá cao việc Tỉnh ủy Bình Thuận đã có Nghị quyết chuyên đề về an sinh xã hội, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, "đổi mới, phát triển không thể thành công nếu không có sự tham gia của người dân. Vì thế, mọi người dân đều phải được thụ hưởng các thành quả của phát triển. Tinh thần này Bình Thuận đang thực hiện tốt, cần tiếp tục phát huy".
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, từ "cái khô, cái khó, cái khổ" trước đây, với tiềm năng, lợi thế và nền tảng vững chắc là những thành tựu khá toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đạt được trong những năm qua; khi 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) được thông xe, sân bay Phan Thiết hoàn thành và đưa vào sử dụng; với sự quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Trung ương và tỉnh Bình Thuận, Bình Thuận sẽ hội đủ các điều kiện quan trọng để bứt phá mạnh mẽ.
Theo Chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/cu-the-hoa-cac-tru-cot-phat-trien-de-binh-thuan-but-pha-manh-me-102230326152845692.htm