205
/
141920
Giữ Đảng trong sạch, vững mạnh để phát triển đất nước
giu-dang-trong-sach-vung-manh-de-phat-trien-dat-nuoc
news

93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản VN (3.2.1930 - 3.2.2023): Giữ Đảng trong sạch, vững mạnh để phát triển đất nước

Thứ 6, 03/02/2023 | 09:37:30
2,279 lượt xem

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là điều "trước hết" để thực hiện mục tiêu VN trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Phải xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh

Sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới với yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn, rất vẻ vang nhưng cũng khó khăn, phức tạp hơn. Để thực hiện thành công mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 đưa nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trước hết phải xây dựng Đảng và Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; phải ngăn chặn, đẩy lùi bằng được tệ tham nhũng, tiêu cực.

Giữ Đảng trong sạch, vững mạnh để phát triển đất nước - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng

Mặc dù đạt được những kết quả rất quan trọng, nhưng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết. Vừa qua vẫn xảy ra một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao ở T.Ư và địa phương. Các hành vi vi phạm rất tinh vi, không chỉ bó hẹp trong một bộ phận nhỏ mà có sự móc nối, liên kết ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, kể cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư; diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn khi Đảng, Nhà nước và nhân dân đang gồng mình chống đại dịch Covid-19.

Chỉ từ vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại Công ty Việt Á mà đã làm tha hóa nhiều cán bộ ở T.Ư và địa phương, với số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự lên đến hàng trăm người, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Ngay trong chính lực lượng chống tham nhũng, tiêu cực, cơ quan bảo vệ pháp luật vừa qua cũng xảy ra những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

Đảng phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” và làm cho bằng được. Ngược lại, “việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đây là những vấn đề rất đáng phải suy ngẫm. Tại sao chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm như vậy mà sai phạm vẫn cứ tiếp diễn? Có phải do cơ chế, chính sách, pháp luật của chúng ta còn lỏng lẻo; do công tác tổ chức thực hiện chưa nghiêm? Do công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý của chúng ta chưa kịp thời, kiên quyết; cơ chế kiểm soát quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn không hiệu quả? Hay do công tác quản lý, giáo dục đạo đức, liêm chính cho cán bộ, đảng viên của chúng ta làm chưa tốt, chưa đến nơi đến chốn?... Điều này đòi hỏi chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để chỉ ra các nguyên nhân và tìm ra những giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Vì vậy, chúng ta tuyệt nhiên không được tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, cũng không được chủ quan, nóng vội, mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị thật trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hoàn thiện thể chế, đẩy lùi suy thoái

Muốn thế, phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm". Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nêu cao tính chiến đấu, chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân né tránh, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: "Đảng ta là một đảng cầm quyền"; "phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Đảng phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm" và làm cho bằng được. Ngược lại, "việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh". Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở", nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để "không thể" tham nhũng, tiêu cực.

Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực. Phải xây dựng các quy chế quản lý nội bộ của Đảng; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực quản lý, phụ trách. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Đảng. Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ"; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp…

Làm tốt công tác cán bộ, công khai, minh bạch để giám sát

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, qua đó cảnh tỉnh, răn đe để không ai dám tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới và tăng cường giám sát việc thực thi quyền lực.

Cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện tiên quyết để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị "tha hóa". Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định về công chức, công vụ, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Các cấp ủy, tổ chức đảng phải đặc biệt chú trọng quan tâm làm tốt công tác cán bộ; phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Đồng thời thường xuyên quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm; thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật.

Thiết lập cho được cơ chế để nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng quan liêu, lạm quyền, lợi dụng quyền lực, phạm các sai lầm nghiêm trọng…

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng

Chiều 2.2, tại trụ sở T.Ư Đảng, Đảng ủy Văn phòng T.Ư Đảng tổ chức lễ trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tham dự buổi lễ có nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Võ Văn Thưởng chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý của Đảng, ghi nhận quá trình cống hiến, công lao to lớn của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Bày tỏ niềm vinh dự lớn lao được trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, trong suốt hơn 55 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được Đảng giáo dục, rèn luyện, dìu dắt rất nhiều, nhờ đó mà từng bước trưởng thành và phấn đấu làm được một số việc. Tuy nhiên, Tổng Bí thư khẳng định: "Tất cả những gì tôi đã làm là vô cùng nhỏ bé so với công lao giáo dục, rèn luyện của Đảng; sự kèm cặp, chỉ bảo của các đảng viên đi trước; sự cộng tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp; sự động viên, ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là những cơ quan - nơi tôi từng học tập, công tác và làm việc".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời khẳng định nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong phần chia sẻ của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại một vài câu trong tác phẩm nổi tiếng Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Liên Xô Nikolai Alekseyevich Ostrovsky: "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống. Bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!"; "Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ!"... Tổng Bí thư cũng nhắc lại lời thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Còn một giây, một phút tàn hơi; Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi!".

Ra mắt sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng

Sáng 2.2, Ban Nội chính T.Ư phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức lễ ra mắt cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, nội dung những bài viết, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư trong cuốn sách này được rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Bên cạnh đó, cuốn sách cho thấy sự nhất quán giữa nói và làm; sự kiên trì, đấu tranh không ngừng nghỉ; sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta ngày thêm trong sạch, vững mạnh. Theo ông Thưởng, nếu đọc lại những bài viết mà Tổng Bí thư viết từ năm 1973 và một vài năm sau đó được in trong cuốn sách, có thể thấy những trăn trở của Tổng Bí thư khi đó với những suy nghĩ, hành động bây giờ là nhất quán, xuyên suốt.

Khẳng định cuốn sách là tài liệu rất giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, có thể coi là "cẩm nang" về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, tổ chức đảng sớm tuyên truyền sâu rộng nội dung cuốn sách đến đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức viên chức và nhân dân.

Cuốn sách với hơn 600 trang tập hợp, hệ thống lại những bài viết có giá trị lý luận và thực tiễn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có những bài viết từ năm 1973 khi ông còn là biên tập viên Tạp chí Cộng sản. Cuốn sách được phát hành với số lượng gần 55.000 cuốn, cấp phát cho các cơ quan ở T.Ư và các địa phương; đồng thời phiên bản điện tử được cung cấp miễn phí trên phần mềm đọc sách stbook.vn của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
-------------------------------------------------------------------------------------------

*Lược trích từ bài viết Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược trong cuốn Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các tiêu đề do Thanh Niên đặt.

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/giu-dang-trong-sach-vung-manh-de-phat-trien-dat-nuoc-185230203021115643.htm

  • Từ khóa

Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục'

Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp...
16:45 - 23/11/2024
297 lượt xem

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ đại diện kiều bào tiêu biểu tại các nước ASEAN

Nhân dịp chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp gỡ đại diện kiều bào tiêu biểu, lãnh đạo hội...
16:37 - 23/11/2024
283 lượt xem

Đề xuất tăng thuế thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam đã và đang gây ra những hệ lụy về bệnh tật và tử vong, đe dọa đến sự phát triển kinh tế, xã hội.
08:34 - 23/11/2024
485 lượt xem

Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương cho 2 phi công vụ rơi máy bay ở Bình Định

Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho 2 phi công vụ rơi máy bay YAK-130 ở Bình Định.
14:10 - 22/11/2024
953 lượt xem

Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam tự tin vững bước vào kỷ nguyên mới

Sáng 22/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm và phát biểu tại Trường đại học quốc gia Malaya (MalaTrong khuôn khổ chuyến thăm...
14:08 - 22/11/2024
949 lượt xem