Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, qua thảo luận, hầu hết các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng
Quốc hội thảo luận về Luật Thi đua, khen thưởng. Ảnh: Quang Khánh.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm 98 điều (giảm 05 điều so với Luật hiện hành), giữ nguyên bố cục gồm 8 chương như Luật hiện hành, sửa đổi, điều chỉnh 94 điều với 4 nhóm nội dung lớn phù hợp với 4 nhóm chính sách nêu trong đề nghị xây dựng Luật.
Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng, khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành.
Đồng thời bổ sung những vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Điều này nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Các đại biểu cũng nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, đồng thời đánh giá cao Cơ quan soạn thảo, trong một số hình thức khen thưởng đã bổ sung đối tượng là tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp; doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài… phù hợp với thực tiễn ngày càng đa dạng trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ, dự thảo Luật lần chưa có sự phân cấp, phân ngành, lĩnh vực rõ ràng trong tổ chức đăng ký tham gia và bình xét thi đua, khen thưởng nên việc tổ chức đánh giá, bình xét còn nể nang, còn phân định cấp trên với cấp dưới nên hiệu quả tích cực trong phát động phong trào thi đua đôi lúc vẫn còn mang tính hình thức.
Đối với quy định cần có thời gian liên tục trong công tác bình xét thi đua, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xem xét thay thế bằng quy định có đủ số năm đạt thành tích trong khoảng thời gian xét khen thưởng phù hợp, tránh việc nhường thành tích, kết quả cho nhau để đảm bảo có thời gian liên tục.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần quan tâm khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng. Nhất là đối với trường hợp xét khen thưởng đột xuất. Cần quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục chủ yếu do cơ quan, đơn vị phụ trách công tác thi đua, khen thưởng hoặc tổ chức phát hiện các nhân tố tích cực cần khen thưởng. Điều này nhằm đảm bảo ý nghĩa thật sự trong công tác khen thưởng đột xuất để kịp thời biểu dương, lan tỏa phong trào, tránh gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và cá nhân được.
Liên quan đến nội dung về nguyên tắc khen thưởng trong dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt- Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, cho biết, so với Luật thi đua, khen thưởng hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung thêm nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó nhằm đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo thành tích đạt được, khắc phục tình trạng khen thưởng cộng dồn thành tích, nuôi khen thưởng như trước đây.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt cho rằng còn một số nội dung quy định về tiêu chuẩn khen thưởng khi phân tích kĩ vẫn phải cộng dồn thành tích liên tục qua các năm.
Cụ thể, một trong các tiêu chuẩn được tặng Huân chương Lao động hạng nhất là đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì và 5 năm tiếp theo trở nên liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong thời gian đó có 3 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có hai lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành. Như vậy, để hai lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành tỉnh mất ít nhất 6 năm.
Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các quy định về tiêu chuẩn khen thưởng để hạn chế tối đa tính trạng cộng dồn thành tích nuôi khen thưởng về công tác khen thưởng đi vào thực chất, tạo động lực động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và là động lực cho sự phát triển.
Cũng về nguyên tắc khen thưởng, dự thảo Luật lần này có bổ sung nguyên tắc quan tâm khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nguyên tắc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật, các đại biểu chỉ ra, không có điều khoản nào quy định về việc quan tâm khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như việc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới thi đua, khen thưởng. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hóa các nguyên tắc này trong dự thảo luật.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật về hành vi nghiêm cấm đối với những người thực hiện trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng có những hành vi cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thi đua, khen thưởng.
Theo Minh Phong/GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/khen-thuong-phai-bao-dam-chinh-xac-tranh-cao-bang-7Ai7b7K7g.html