Đây là con số được nêu trong báo cáo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trình lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp sáng nay, 11/9, của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với các địa phương.
Cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp để kiểm điểm công tác phòng, chống dịch trong tuần qua, đồng thời đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau một tuần triển khai chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, cần đánh giá xem việc tổ chức thực hiện đạt kết quả như thế nào, cái gì làm được, chưa được, từ đó phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, để bổ sung, hoàn thiện.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp sáng 11/9 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Hết tháng 9 có thêm 23 triệu liều vắc xin về Việt Nam
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày nêu nhận định, tỷ lệ mắc mới Covid-19 tại cộng đồng trong tuần đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương có số mắc cao: Đà Nẵng (giảm 60%), Bình Dương (giảm 27%), Long An (giảm 3%); Số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%, trong đó TPHCM (30%), Đồng Nai (50%), Long An (30%), Tiền Giang (70%).
Trong số 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội có 8 địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh. 12 địa phương đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch.
Đáng chú ý, theo Ban chỉ đạo, có 3 tỉnh thành cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch là TPHCM, Bình Dương, Kiên Giang.
Cập nhật tình hình thực hiện chiến lược vắc xin, Bộ trưởng Y tế thông tin, số lượng vắc xin đã có các thỏa thuận, hợp đồng và cam kết tài trợ với tổng số gần 160 triệu liều.
Hiện số lượng vắc xin Việt Nam đã nhận là hơn 34 triệu liều, cả nước đã tiêm được hơn 27 triệu liều. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng hơn 103 triệu liều vắc xin về Việt Nam.
Trong đó, đến hết tháng 9, sẽ có khoảng 22,8 triệu liều, tháng 10 có khoảng 31,2 triệu liều, tháng 11 có khoảng 23,9 triệu liều, tháng 12 có khoảng 25,5 triệu liều.
Bộ Y tế đã và đang đàm phán và trao đổi với các đơn vị để cung ứng vắc xin cho năm 2022 theo nguyên tắc đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên và thực hiện việc tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Cảnh báo một số địa phương nóng vội mở cửa lại
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo quốc gia đánh giá, công tác xét nghiệm đã phát huy vai trò là then chốt trong phòng, chống dịch.
Bộ trưởng Y tế phân tích, việc xét nghiệm thần tốc toàn dân, nhanh hơn tốc độ lây lan của virus trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội; xét nghiệm nhiều vòng (một vòng trong 2-3 ngày) tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao đã phát huy hiệu quả trong việc phát hiện sớm nguồn lây, cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời.
Đánh giá chung về công tác chống dịch, Ban chỉ đạo quốc gia chỉ ra một số hạn chế và tồn tại như có những xã, phường, thị trấn chưa quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Việc thực hiện giãn cách ở một số nơi chưa nghiêm, chưa triệt để, nhất là trong thời gian gần đây. Việc triển khai thực hiện an sinh xã hội còn chậm so với yêu cầu. Việc cung ứng hàng hóa vẫn còn lúng túng hay thay đổi.
Một số địa phương nóng vội trong việc mở cửa trở lại, chưa có kế hoạch cụ thể đã triển khai nới lỏng giãn cách.
Một số biện pháp phục vụ việc chống dịch chuẩn bị chưa được kỹ lưỡng, thay đổi nhanh, thiếu nhất quán, chưa đánh giá tác động và chưa chuẩn bị truyền thông gây bức xúc trong xã hội, nhất là quy định đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa, tạo ra ách tắc cục bộ, chậm được tháo gỡ; Chưa sử dụng triệt để và thống nhất các giải pháp công nghệ, gây bất tiện cho người dân, tập trung đông người.
Tốc độ xét nghiệm tại một số địa phương chậm hơn tốc độ lây lan và không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/hon-103-trieu-lieu-vac-xin-ve-viet-nam-tu-nay-den-cuoi-nam-2021-20210911103319888.htm