Sau gần 2 tháng thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc, cùng với sự hỗ trợ, chi viện của lực lượng tuyến trên, của nhiều tỉnh, TP, đến nay, Bắc Giang đã khống chế được dịch bệnh. Bài học kinh nghiệm nào được rút ra từ công tác phòng, chống dịch (PCD)? Làm gì để giữ vững thành quả ấy và đẩy nhanh phát triển KT-XH?
Kinh nghiệm xử lý số F kỷ lục
“Lây lan nhanh nhất, diễn biến phức tạp nhất, địa bàn rộng nhất” là đánh giá của các chuyên gia y tế về tình hình đợt dịch Covid -19 thứ tư bùng phát tại Bắc Giang. Điều này được minh chứng bằng những con số kỷ lục kể từ khi phát hiện ca F0 đầu tiên tại xã Phương Sơn (Lục Nam), sau đó là ổ dịch ở khu công nghiệp (KCN) và ở xã Kiên Thành (Lục Ngạn), sau gần 2 tháng, toàn tỉnh ghi nhận gần 5.700 ca F0, gần 30 nghìn F1, hơn 106 nghìn F2.
Dây chuyền sản xuất của Công ty Fuhong (Khu công nghiệp Đình Trám) hoạt động trở lại. Ảnh: Danh Lam
Để tầm soát được số F kỷ lục như vậy là nhờ sự chi viện kịp thời từ nhiều lực lượng trong cả nước và huy động tối đa lực lượng tại chỗ, tỉnh đã triển khai thần tốc việc truy vết, xét nghiệm, ngày cao điểm hơn 30 nghìn mẫu bệnh phẩm được lấy. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, bộ phận truy vết lại chạy đua với thời gian thu dung F0 về cơ sở y tế điều trị; đưa F1 đi cách ly. Nhờ đó, Bắc Giang đã tận dụng được “giai đoạn vàng” để chặt đứt nguồn lây của dịch bệnh.
Con số F0 tăng mạnh, có ngày 375 ca. Để hóa giải áp lực về điều trị, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang đã tư vấn cho tỉnh áp dụng mô hình “tháp 3 tầng”. Theo đó, tỉnh tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có lập 18 bệnh viện chính thức và bệnh viện dã chiến để tiếp nhận bệnh nhân sau khi phân loại từ không có triệu chứng đến bệnh nhân nặng. Chuyên gia của Bộ Y tế đánh giá đây là mô hình mới lần đầu áp dụng tại Bắc Giang, đáp ứng được diễn tiến của dịch. Nhờ vậy, việc điều trị chủ động, hiệu quả hơn. Đến nay, đã có gần 4 nghìn bệnh nhân ra viện, chiếm hơn 70% số bệnh nhân của tỉnh.
Với các F1, có thời điểm lên đến vài chục nghìn, không thể tổ chức cách ly tập trung hết, tỉnh đã có sáng kiến thiết lập mô hình khu cách ly y tế tập trung tại chỗ nhằm khoanh vùng, khống chế dịch ngay.
Mô hình chống dịch “đa mục tiêu”
Cùng một lúc tỉnh phải gồng mình, căng sức thực hiện ba nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhiều việc mới, cấp bách, đó là: Chuẩn bị và tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 trong điều kiện dịch bệnh phức tạp; dồn tổng lực để dập dịch; tập trung thực hiện mọi biện pháp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nỗ lực duy trì, khôi phục sản xuất trong điều kiện có dịch. Trong đó, “kỳ bầu cử đặc biệt” đã thành công tốt đẹp, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao, bầu một lần đủ số đại biểu. Kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 vừa được tổ chức đã kiện toàn các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND tỉnh khóa mới.
Tỉnh xác định, nếu chỉ đặt mục tiêu duy nhất là bằng mọi giá chống dịch, xem nhẹ các mục tiêu khác, có thể dịch sẽ dập được nhanh hơn một chút nhưng hậu quả về KT-XH sẽ rất kéo dài, nhất là vấn đề an sinh xã hội.
Vì thế, sau 14 ngày tạm dừng 4 KCN khiến hơn 350 doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, khoảng 140 nghìn công nhân phải nghỉ việc, tỉnh cho triển khai mô hình “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”. Đây là mô hình chưa có tiền lệ nhưng tỉnh quyết tâm thực hiện nhằm tránh “đứt gãy” chuỗi sản xuất, cung ứng, tạo công ăn việc làm cho công nhân, giảm gánh nặng xã hội và hỗ trợ đời sống nhân dân trong diện cách ly, phong tỏa. Tỉnh đã thành lập các tổ công tác thẩm định, hỗ trợ sản xuất, đến nay đã chấp thuận cho 228 DN với 55,4 nghìn lao động đã được cho phép quay lại sản xuất.
Cùng đó, chỉ đạo tập trung bảo vệ vùng vải thiều an toàn, không Covid. Tất cả lái xe, thương nhân, người lao động đến vùng trọng điểm vải thiều đều được test nhanh Covid; ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động ở các điểm cân và lái xe vận chuyển tiêu thụ vải. Tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương mở “luồng xanh” cho vải thiều, không “ngăn sông cấm chợ” nông sản; tổ chức xúc tiến thương mại trực tuyến, mở rộng các kênh phân phối, nhất là kênh thương mại điện tử. Nhờ cách làm này, hơn 210 nghìn tấn vải thiều và hàng nghìn tấn nông sản khác được tiêu thụ thuận lợi.
Không để ai bị bỏ lại phía sau, chống dịch đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động các DN, nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, công nhân gặp khó khăn trong thời gian cách ly, phong tỏa thông qua 29 “siêu thị 0 đồng” và các hình thức cung ứng khác, không để ai bị đói, bị khát.
Chuyển “trạng thái bình thường mới” từ tháng 7
Các ổ dịch Covid-19 tại Bắc Giang đến nay đã được khống chế. Bài học kinh nghiệm mà tỉnh rút ra là bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia PCD, đồng thời phải đánh giá sát tình hình thực tế để có các biện pháp sáng tạo, linh hoạt, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và toàn dân; nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tranh thủ sự chi viện từ tuyến trên, từ các tỉnh, TP và của người dân cả nước, đồng thời thực hiện tốt phương án “4 tại chỗ”.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân KCN.
Thông qua công tác PCD thấy rõ tinh thần tận hiến, những hy sinh thầm lặng, không ngại khó khăn, gian khổ của các y, bác sĩ, nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu; người dân đã có những hiểu biết đáng kể về dịch bệnh, đã có những thái độ cư xử đúng mực với dịch bệnh. Thành quả PCD không chỉ bảo vệ sản xuất, đời sống mà còn củng cố truyền thống tương thân tương ái, khó khăn qua đi, tình người còn lại.
Bài học kinh nghiệm về mô hình “chống dịch đa mục tiêu” là cách làm mới, sáng tạo nhằm vừa chống dịch, vừa phát triển KT- XH, bảo đảm an sinh xã hội, đòi hỏi cách làm thận trọng, có sự giám sát chặt chẽ với yêu cầu PCD được đặt lên hàng đầu và cần sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành được người dân, DN đồng tình ủng hộ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang nói rằng, thực tiễn tham gia chống dịch tại Bắc Giang chúng tôi ghi nhận nhiều cách làm mới, sáng tạo. Không ai mong muốn dịch xảy ra, nhưng chẳng may địa phương nào có dịch bệnh tương tự thì đó là bài học kinh nghiệm rất đáng quý.
Tình hình dịch bệnh được khống chế, Bắc Giang chuyển sang “trạng thái bình thường mới” từ đầu tháng 7. Để giữ vững thành quả chống dịch, một thành quả đã phải tốn rất nhiều sức người, sức của, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được. Tiếp tục xác định PCD Covid -19 là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng, tạo tiền đề khởi động lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển KT- XH.
Về khởi động lại nền kinh tế, trước hết ưu tiên khôi phục sản xuất với tất cả các DN trong và ngoài KCN. Tiếp đó nới lỏng giãn cách xã hội để khôi phục các loại hình dịch vụ, các hoạt động thể thao, văn hóa. Toàn tỉnh đặt mục tiêu mới là tăng tốc phát triển KT-XH để bù đắp cho thời gian bị ngừng trệ vì dịch bệnh. Do vậy cần sự nỗ lực cao hơn, quyết tâm cao hơn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và toàn dân. Với mô hình “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch” cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm và sớm đúc kết để xây dựng phương án xử lý tình huống hiệu quả nhất nếu dịch Covid -19 xảy ra.
Theo Trần Đức/ Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/dich-viem-duong-ho-hap-cap-do-ncov/363324/bac-giang-bao-ve-thanh-qua-chong-dich-don-luc-phat-trien-kt-xh.html