Chế độ dinh dưỡng có liên quan mật thiết đến nguy cơ mắc ung thư dạ dày, đại tràng, gan, tụy và phổi. Dưới đây là những điều bạn cần biết để tránh xa các bệnh ung thư nguy hiểm này.
Hiện nay có các nghiên cứu liên quan đến chế độ ăn uống và sức khỏe. Các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá liệu một số thực phẩm và chất dinh dưỡng nhất định có thể giảm nguy cơ ung thư hay không. Kết quả không thống nhất và thay đổi theo từng người, từng bệnh. Tuy nhiên, có thể tham khảo những yếu tố dưới đây:
- Trái cây và rau quả có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi, miệng, thực quản, dạ dày và đại tràng.
- Chế độ ăn Địa Trung Hải có thể bảo vệ chống lại bệnh ung thư. Chế độ ăn này tập trung vào các loại thực phẩm như cá, hoa quả và rau, đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
- Canxi và vitamin D có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
- Axit folic có thể giúp cơ thể bảo vệ chống lại ung thư.
Dưới đây là mối liên quan giữa dinh dưỡng và một số bệnh ung thư:
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày phổ biến ở châu Á. Trong đó nhiễm trùng với vi khuẩn H.pylori là một yếu tố nguy cơ nhưng không phải là nguyên nhân đầy đủ để phát triển ung thư dạ dày. Chế độ ăn được cho là quan trọng trong nguyên nhân học của bệnh này.
Nhiều bằng chứng chắc chắn cho thấy rằng nguy cơ ung thư tăng lên với khẩu phần ăn có nhiều các thực phẩm bảo quản bằng muối theo cách truyền thống, đặc biệt là thịt và dưa chua, và với muối nói chung. Tuy nhiên, nguy cơ này giảm đi nhờ chế độ ăn nhiều rau và quả, có thể do thành phần vitamin C trong rau, quả.
Ung thư đại tràng
Tỷ lệ mới mắc ung thư đại trực tràng cao hơn khoảng 10 lần ở các nước phát triển so với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Yếu tố chế độ ăn được cho là chiếm tới 80% sự khác nhau về tỷ lệ này giữa các nước. Yếu tố nguy cơ liên quan tới chế độ ăn rõ nhất là tình trạng thừa cân-béo phì và hoạt động thể lực cũng liên quan tới việc làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng.
Theo sách Dinh dưỡng dự phòng ung thư cho cộng đồng, Viện Dinh dưỡng, Nhà xuất bản y học (năm 2018), có sự thống nhất về vai trò của chế độ ăn “phương tây hóa” là yếu tố xác định nguy cơ chính như nguy cơ tăng do khẩu phần thịt và chất béo cao, và nguy cơ giảm do khẩu phần nhiều trái cây và rau, chất xơ khẩu phần, folat và calci, nhưng cũng chưa được chứng minh chắc chắn.
Nhìn chung, tiêu thụ nhiều thịt bảo quản và thịt đỏ gần như chắc chắn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Kết quả từ các thử nghiệm cho thấy can thiệp khoảng 3-4 năm với chất xơ bổ sung hoặc chế độ ăn ít chất béo và nhiều chất xơ, rau và quả có thể làm giảm sự tái phát u tuyến đại trực tràng. Bằng chứng cho thấy khẩu phần nhiều rau và quả gần như chắc chắn làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Ung thư gan
Gần 75% ung thư gan là ở các nước đang phát triển, cao nhất ở Saharan châu Phi và Đông nam Á. Yếu tố nguy cơ chính của ung thư biểu mô tế bào gan, loại ung thư gan chủ yếu, là nhiễm trùng mạn tính với virus viêm gan B hoặc C. Ăn thực phẩm bị nhiễm độc tố vi nấm, aflatoxin, ví dụ như lạc mốc, là một yếu tố nguy cơ quan trọng ở các nước đang phát triển, cùng với nhiễm virus viêm gan hoạt động.
Tiêu thụ rượu quá nhiều là yếu tố nguy cơ liên quan chế độ ăn chủ yếu ở các nước công nghiệp hóa, gần như chắc chắn gây ung thư thông qua sự phát triển bệnh xơ gan và viêm gan do rượu.
Ung thư tụy
Thừa cân - béo phì gần như chắc chắn làm tăng nguy cơ ung thư tụy. Một số nghiên cứu gợi ý nguy cơ tăng do chế độ ăn nhiều thịt, và giảm do khẩu phần ăn nhiều rau.
Ung thư phổi
Hút thuốc nhiều làm tăng nguy cơ ung thư phổi 30 lần. Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ung thư phổi có chế độ ăn điển hình ít rau, quả và các chất dinh dưỡng có liên quan (như beta carotene) so với nhóm chứng (người không mắc ung thư phổi). Tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Nghiên cứu bổ sung beta carotene trong 12 năm chưa cho thấy tác dụng rõ ràng.
Theo Hà An/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/5-benh-ung-thu-go-cua-do-cach-ban-an-uong-hang-ngay-20200830070037749.htm