Chiều 26/4, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức buổi họp báo lần 2 công bố thông tin chính thức về vụ phát hiện cơ sở bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) có hành vi trộn vỏ cà phê, sỏi đá với dung dịch nước pha bột pin.
Dùng pin con ó nhuộm tạp chất cà phê để làm hồ tiêu giả?!
Kinh hoàng hàng chục tấn cà phê “nhuộm” pin chuẩn bị xuất xưởng
Thượng tá Phạm Thanh Bình, người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông thông tin, cơ sở thu mua nông sản của đối tượng Nguyễn Thị Thanh Loan hoạt động kinh doanh từ năm 2016, có giấy đăng ký kinh doanh thu mua nông sản.
Bà Loan khai nhận, sử dụng vỏ cà phê, sỏi đá nhỏ và pin trộn lại với nhau để bán cho Lê Thị Hồng Thơ và thuê Trần Văn Tuấn lái xe vận chuyển sản phẩm. Thơ và Tuấn mua hỗn hợp trên để bán lại cho Phan Thị Dung (giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung, trú khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước), để Dung trộn vào hạt hồ tiêu.
Đắk Nông tổ chức họp báo lần 2 để công bố thông tin
Liên quan đến vụ việc này, Tuấn khai ngày 10/4, Tuấn tự mua sản phẩm của Loan, Bảo với giá 9.000đ/kg và trực tiếp bán cho Dung là 12.000đ/kg. Tuấn biết rõ Dung mua sản phẩm này nhằm trộn vào hạt hồ tiêu khô để bán ra thị trường.
Sau khi mua 3 tấn hỗn hợp trên, Phan Thị Dung đã dùng một phần để trộn lẫn vào hồ tiêu hạt khô, đóng vào 360 bao để vào kho, tổng khối lượng là 9 tấn. Theo đối tượng khai nhận là để làm tăng khối lượng hồ tiêu.
Toàn bộ lượng hỗn hợp còn lại, Phan Thị Dung khai nhận: Khi nghe được thông tin hành vi pha trộn hỗn hợp của Nguyễn thị Thanh Loan đã bị cơ quan công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, Phan Thị Dung đã cho pha trộn lượng hỗn hợp còn lại với vôi, phân lân và phân heo, rồi mang ra giấu ở vườn cao su, mục đích để tẩu táng, tiêu hủy chứng cứ.
Các mẫu tang vật thu giữ tại cơ sở bà Loan và bà Dung
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông thu giữ 9 tấn hồ tiêu (có trộn hỗn hợp với kết quả giám định các tang vật thu giữ tại cơ sở của bà Dung cho thấy tỷ lệ tạp chất là 18,34%) và 11 tấn hỗn hợp pha trộn với vôi, phân lân, phân heo. Các mẫu đã được gửi đi Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an để giám định.
Với kết quả điều tra cho đến thời điểm này, có thể nhận định rằng, hỗn hợp do Nguyễn Thị Thanh Loan và Nguyễn Xuân Bảo làm ra đã bị cơ quan công an tỉnh Đắk Nông kịp thời phát hiện, ngăn chặn và thu giữ. Hỗn hợp này chưa bị pha trộn, chế biến thành các sản phẩm như bột cà phê, bột tiêu bán ra ngoài thị trường để cho người tiêu dùng sử dụng.
Chưa thể nói về mức độ nguy hại của hỗn hợp cho người dùng
Đáng chú ý, sau khi cung cấp thông tin, nhiều câu hỏi của báo chí đã được nêu ra nhưng chưa được cơ quan công an giải đáp thỏa đáng.
Đại diện báo Dân trí đã đặt câu hỏi về việc tại hiện trường, đại diện của cơ quan công an nói hợp chất tại cơ sở bà Loan là cà phê. Vậy căn cứ nào để gọi đó là cà phê?", ông Quy đã trả lời: “Không có căn cứ nào!”.
Đại diện báo Nhân Dân cho rằng chính từ nguồn tin này rất nhiều cơ quan báo chí đưa tin bài xoay quanh cà phê. Sau đó, đại tá Lê Vinh Quy lại đính chính không phải cà phê, - dẫn đến sự “chênh nhau” trong lúc đưa tin”.
Đại tá Lê Vinh Quy trả lời câu hỏi của báo chí
Đại diện báo Tiền Phong đặt nhiều câu hỏi về các vấn đề như: Kết quả giám định, thành phần và độc tố như thế nào? Hỗn hợp pha trộn với tiêu đã đem ra thị trường tiêu thụ tại thị trường hay chưa vì các cơ sở đó đã pha trộn các hỗn hợp này lâu rồi? Cơ sở bà Dung xuất khẩu tiêu đến thị trường nào? Mức độ nguy hiểm của hỗn hợp này? Hỗn hợp này phải gọi tên cụ thể như thế nào?
Đại Lê Vinh Quy đã nêu lại thông tin đã công bố lúc đầu cuộc họp báo như cơ sở bà Loan đã pha trộn hỗn hợp này từ tháng 1/2018, sản phẩm Loan và Bảo đã bán cho Tuấn, Thơ và Dung là 3 tấn. Sau khi mua, Dung đã trộn vào hạt tiêu xuất bán với tỷ lệ 18,34%. Tại cơ sở bà Dung đã pha trộn 9 tấn hạt tiêu với hỗn hợp này, nhưng chưa được xuất bán đi đâu thì bị phát hiện.
“Chất này là chất gì thì chưa có tên, vì thế Cơ quan công an tiếp tục chứng minh, làm rõ việc vi phạm của các đối tượng trên theo Điều 317 - Bộ luật Hình sự”, đại tá Lê Vinh Quy cho biết.
Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của báo chí
Trả lời câu hỏi của báo Giao thông về mức độ nguy hiểm nếu sản phẩm hạt tiêu pha trộn tạp chất pin con Ó đến tay người tiêu dùng? Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh VP UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, hiện tại chỉ mới giám định được hàm lượng tạp chất sau khi pha trộn. Để xác định được mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, phải xác định được sản phẩm pha trộn làm thực phẩm gì, nếu phát hiện sản phẩm được xay làm tiêu bột để ăn thì phải lấy sản phẩm này đi giám định mới biết được.
Đại tá Lê Vinh Quy cho biết, cơ quan CSĐT chỉ mới giám định được hàm lượng tạp chất có trong sản phẩm để điều tra. Hiện chưa giám định các độc tố của sản phẩm nên chưa nói mức độ nguy hại cho người dùng. Công an đang còn điều tra các bước tiếp theo mới xác định và làm rõ vụ án…
Do thời gian có hạn, buổi hợp báo diễn ra trong vòng hơn 30 phút rồi kết thúc. Ông Ngô Xuân Lộc cho biết, có rất nhiều câu hỏi của phóng viên nhưng do liên quan đến quá trình điều tra của cơ quan công an nên sẽ ghi nhận và trả lời sau.
Theo Dương Phong/Dân trí