Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn, vượt chỉ tiêu do chính phủ đề ra nhưng phòng chống sốt rét đang bước vào 1 giai đoạn mới nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nguy cơ dịch có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào.
Tại “Hội thảo tăng cường đầu tư giữ vững thành quả, hướng tới loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam” nhân ngày sốt rét thế giới năm 2018 do Bộ Y tế, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ tổ chức ngày 24/4, thứ trưởng Nguyễn Thanh long đánh giá cao những thành tựu mà Chiến lược quốc gia loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011-2020 đã làm được. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng kết quả này chưa bền vững và nguy cơ sốt rét gia tăng vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương.
Trên thực tế, tỷ lệ mắc sốt rét trên 1.000 dân năm 2017 so với năm 2013 giảm hơn 77%, số bệnh nhân sốt rét giảm hơn 76%, số ký sinh trùng sốt rét giảm 72,6%.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình bệnh sốt rét lại đang có nguy cơ quay lại tại một số tỉnh, thành phố như: Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lăk, Đắk Nông, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị… do có nhiều người mang ký sinh trùng sốt rét.
Ngày sốt rét thế giới năm 2018: “Sẵn sàng đánh bại sốt rét” Ngày sốt rét thế giới - 25/4 được Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức, các quốc gia thành viên quảng bá với chủ đề “Sẵn sàng đánh bại sốt rét”. Chủ đề này nhấn mạnh việc thống nhất mục tiêu chung về một thế giới không bị sốt rét đối với các nguồn lực tập thể và các cam kết của cộng đồng sốt rét toàn cầu. Chủ đề năm nay cũng nhấn mạnh những tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết một trong những căn bệnh lâu đời nhất của con người, đồng thời cũng cảnh báo xu hướng lo ngại về tình hình sốt rét như báo cáo sốt rét thế giới năm 2017 đã nêu. |
Cụ thể, số ký sinh trùng sốt rét đang giảm dần từ 2013-2016 thì đột ngột tăng hơn 10% vào năm 2017.
Theo PGS. TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, hiện có khoảng 11 triệu người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành. Ngay như rừng quốc gia Ba Vì cũng có muỗi sốt rét lưu hành, cùng với tình trạng kháng thuốc gia tăng và chủ quan trong công tác phòng chống dịch sẽ “khiến bệnh sốt rét có nguy cơ quay trở lại, gia tăng số mắc, số tử vong và có thể gây thành dịch”.
Thảo luận sâu hơn về nguy cơ dịch sốt rét có thể quay trở lại, PGS.TS Nguyễn Văn Chương, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng Quy Nhơn, cho biết hiện có tới hơn 10 tỉnh có sốt rét gia tăng nhưng chính quyền cơ sở gần như đứng ngoài cuộc.
PGS. Chương dẫn chứng 1 cuộc họp sốt rét của riêng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nhưng có tới 13 bộ ngành tham dự, Bộ Y tế chỉ là đầu mối. Trong khi đó, hội thảo này chỉ có đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế, đại diện Bộ Quốc Phòng và Tổ chức Y tế thế giới tham dự.
Đặc biệt, tình trạng kháng thuốc đã lên tới 50% ở Bình Phước, 20-30% ở một số địa phương khác nhưng chưa có phương án thay thuốc. PGS. Chương cho rằng những điều này sẽ khiến lộ trình loại trừ sốt rét vô cùng khó khăn bởi khi đã kháng thuốc sẽ thành sốt rét dai dẳng.
Cùng với đó là việc soi kính hiển vi tìm ký sinh trùng sốt rét cũng đang giảm dần do thiếu kinh phí… sẽ khiến việc kiểm soát dịch trở nên nan giải.
Cần giải pháp tổng thể
Để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 tiến tới loại trừ sốt rét ở Việt Nam theo lộ trình đã được phê duyệt, Hội thảo thống nhất, chương trình phòng chống sốt rét cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp sau đây:
1. Tiếp tục triển khai các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe để các cấp Chính quyền, đoàn thể địa phương và cộng đồng chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tại địa phương.
2. Đảm bảo thực hiện thường xuyên công tác giám sát, phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, quản lý ca bệnh, quản lý đối tượng dân di biến động, đặc biệt đối với người dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, người trở về từ các nước có sốt rét lưu hành.
3. Thực hiện điều trị bệnh nhân sốt rét đúng thuốc, đủ liều theo quy định của Bộ Y tế.
4. Tăng cường phối hợp đa ngành trong công tác phòng chống sốt rét (Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Giao thông, Lâm nghiệp, Thuỷ điện,...), đặc biệt ở các địa phương có sốt rét lưu hành và sốt rét lưu hành nặng.
5. Nhà nước cần duy trì đầu tư kinh phí ổn định từ nguồn ngân sách Trung ương cho công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét theo kế hoạch của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020. Các địa phương, Bộ/Ngành cần nỗ lực vận động và chủ động đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét theo tinh thần chỉ đạo của Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục kêu gọi đầu tư nguồn lực của các tổ chức quốc tế để đảm bảo nguồn lực đầu tư bền vững cho các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả trong những năm tới.
Theo Trần Phương/Dân trí