190
/
174163
Nên nhổ răng khôn khi nào?
nen-nho-rang-khon-khi-nao
news

Nên nhổ răng khôn khi nào?

Thứ 3, 24/12/2024 | 11:31:00
627 lượt xem

Nhổ răng khôn là một quyết định phổ biến trong nha khoa, đặc biệt khi răng khôn gây ra các vấn đề về sức khỏe răng miệng.

Răng khôn khi nào nên nhổ? - Ảnh 1.

Răng khôn nằm ở bốn góc của cung hàm, bao gồm 2 chiếc ở hàm trên và 2 chiếc ở hàm dưới - Ảnh: BSCC

Bác sĩ Chu Thị Phương - khoa răng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết răng khôn (hay còn gọi là răng số 8), là răng cối lớn thứ ba, nằm ở vị trí cuối cùng của mỗi cung hàm. Đây là những chiếc răng mọc muộn nhất, thường xuất hiện trong độ tuổi từ 17-25.

Răng khôn nằm ở bốn góc của cung hàm, bao gồm 2 chiếc ở hàm trên (trái và phải); 2 chiếc ở hàm dưới (trái và phải).

Răng khôn thường có xu hướng mọc bất thường như mọc lệch, chèn ép các răng khác, gây đau và chen chúc răng; mọc ngầm, không trồi lên khỏi nướu, nằm ẩn trong xương hàm; trong một số ít trường hợp, răng khôn có thể mọc thẳng và không gây vấn đề.

Các vấn đề phổ biến liên quan đến răng khôn như viêm quanh răng khôn, xảy ra khi thức ăn và vi khuẩn bị kẹt dưới nướu phủ răng khôn, gây đau, sưng và nhiễm trùng; 

Sâu răng, do vị trí khó vệ sinh, răng khôn dễ bị sâu hoặc gây sâu cho răng kế bên;

Chen chúc răng, khi răng khôn mọc lệch nó có thể làm xô lệch các răng khác, ảnh hưởng đến khớp cắn; 

U nang và tổn thương xương, răng khôn mọc ngầm có thể tạo u nang, phá hủy xương và răng xung quanh.

4 trường hợp nên nhổ răng khôn

Theo bác sĩ Phương, nhổ răng khôn là một quyết định phổ biến trong nha khoa, đặc biệt khi răng khôn gây ra các vấn đề về sức khỏe răng miệng.

- Răng mọc lệch hoặc ngầm: Nếu răng khôn mọc lệch, đâm vào răng kế bên, hoặc bị kẹt dưới nướu, chúng có thể gây đau, viêm nhiễm và hỏng răng kế cận.

- Viêm lợi hoặc nhiễm trùng: Răng khôn thường khó vệ sinh, dễ gây viêm lợi, sưng đau hoặc nhiễm trùng.

- Hình thành u nang hoặc tổn thương xương: Một số răng khôn không mọc thẳng có thể tạo u nang, làm tổn thương xương hàm hoặc các răng kế bên.

- Không đủ chỗ mọc: Nếu cung hàm không đủ chỗ, răng khôn mọc chen chúc có thể làm lệch răng khác hoặc gây đau nhức.

Răng khôn khi nào nên nhổ? - Ảnh 2.

Nhổ răng khôn là một quyết định phổ biến trong nha khoa, đặc biệt khi răng khôn gây ra các vấn đề về sức khỏe răng miệng - Ảnh minh họa

Không cần nhổ răng khôn trong trường hợp răng khôn mọc thẳng, không gây đau nhức hoặc chèn ép răng khác; không có dấu hiệu viêm nhiễm, sâu răng, hoặc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng; có thể vệ sinh răng khôn dễ dàng và thường xuyên.

Bác sĩ lưu ý, trước khi nhổ răng khôn cần thăm khám và chụp X-quang, hãy đến nha sĩ để được tư vấn và chụp phim X-quang giúp xác định vị trí và hình dạng của răng khôn. Nên nhổ răng khôn khi không bị viêm nhiễm hoặc các vấn đề sức khỏe khác. 

Nếu có tiền sử bệnh lý (như rối loạn đông máu, bệnh tim mạch, tiểu đường), hãy báo trước để nha sĩ có phương án.

Thời điểm nào nên nhổ răng khôn?

Lứa tuổi tốt nhất để nhổ răng khôn thường nằm trong khoảng 18-25 tuổi. Đây là thời điểm răng khôn đang trong giai đoạn hình thành hoàn chỉnh chân răng nhưng chưa phát triển hoàn toàn. Cụ thể:

- Chân răng chưa hoàn toàn cứng chắc: Ở độ tuổi này, chân răng chưa bám sâu vào xương hàm, giúp quá trình nhổ răng dễ dàng hơn và giảm nguy cơ tổn thương xương.

- Hồi phục nhanh hơn: Ở người trẻ tuổi, khả năng lành thương nhanh hơn, ít biến chứng và giảm nguy cơ nhiễm trùng so với người lớn tuổi.

- Phòng ngừa các biến chứng: Nhổ răng sớm giúp tránh các vấn đề như răng khôn mọc lệch, chen chúc, sâu răng hoặc viêm nhiễm.

- Xương hàm còn mềm: Xương hàm ở độ tuổi này còn tương đối mềm, giúp quá trình nhổ răng ít đau đớn và ít ảnh hưởng các cấu trúc xung quanh.

Trường hợp dưới 18 tuổi, răng khôn thường chưa mọc hoặc mọc chưa hoàn chỉnh. Chỉ nhổ nếu có vấn đề nghiêm trọng (viêm nhiễm, đau đớn kéo dài).

Trên 25 tuổi, việc nhổ răng vẫn có thể thực hiện nhưng thường phức tạp hơn. Chân răng đã phát triển hoàn chỉnh và bám chắc vào xương hàm khiến việc nhổ khó khăn hơn và thời gian hồi phục lâu hơn.

Trên 35 tuổi, việc nhổ răng có thể gây ra nhiều rủi ro hơn, chẳng hạn như đau kéo dài, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và lành thương chậm hơn.

Chăm sóc sau khi nhổ răng khôn

Cắn gạc trong 60 phút để cầm máu. Tránh khạc nhổ hoặc súc miệng mạnh, điều này giúp tránh làm tổn thương cục máu đông tại vết nhổ.

Nếu chảy máu nhiều và kéo dài sau khi bỏ gạc ra, dùng một miếng gạc vô trùng khác cắn lại, chườm đá lạnh ngoài má tương ứng với vùng nhổ răng.

Hạn chế thực phẩm cứng, ăn đồ mềm, nguội trong vài ngày đầu. Không dùng đồ ăn quá nóng, quá cay. Tránh đồ uống chứa cồn (rượu, bia).

Tránh dùng ống hút bởi hút mạnh có thể làm bong cục máu đông, gây ra "ổ răng khôn" (dry socket). Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu có dấu hiệu đau nhức kéo dài, sưng lớn, hoặc chảy máu không dứt, hãy liên hệ nha sĩ ngay. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nha khoa trước khi quyết định nhổ răng khôn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Theo Tường Vy/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/nen-nho-rang-khon-khi-nao-20241223203222542.htm 

  • Từ khóa

Quy tắc 'vàng' để nhận biết, sơ cứu người bị ngộ độc rượu

Người bị ngộ độc rượu có các triệu chứng như lú lẫn, phản ứng chậm, trong tình trạng nghiêm trọng có thể co giật, hôn mê, tổn thương não và tử vong... Do...
12:12 - 25/12/2024
58 lượt xem

Tin vui: Tiết lộ lịch trình phát hành vắc-xin ung thư

Các nhà khoa học Nga đang hoàn thiện công trình nghiên cứu một loại vắc-xin ung thư mới mang tính đột phá, dự kiến ​​sẽ ra mắt vào năm tới.
10:08 - 25/12/2024
115 lượt xem

Nghiện mạng xã hội ảnh hưởng đến chuyện sinh lý ở phái mạnh?

Mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe sinh lý nếu lạm dụng lướt mạng.
10:30 - 25/12/2024
102 lượt xem

Lạm dụng thuốc bổ cho trẻ, hậu quả khôn lường

Mạng xã hội bùng nổ thông tin, rất nhiều loại thực phẩm bổ sung được quảng cáo thu hút sự quan tâm của phụ huynh và nhiều người tự ý cho con dùng 'thuốc...
08:11 - 25/12/2024
156 lượt xem

4 điều không được giấu bác sĩ khi khám bệnh vì có thể gây hại

Một trong những điều quan trọng nhất khi đến bác sĩ khám bệnh là phải trung thực. Người bệnh không nên giấu bất kỳ vấn đề sức khỏe nào với bác sĩ vì nó có...
15:36 - 24/12/2024
555 lượt xem