Cảm giác uể oải, buồn ngủ sau bữa ăn trưa là hiện tượng hết sức bình thường của cơ thể. Ngoài ra, việc chúng ta ăn món gì và bao nhiêu cũng sẽ khiến cảm giác uể oải, buồn ngủ này ít hay nhiều. Tuy nhiên, nếu cảm giác này ở mức độ nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến mệt mỏi kéo dài thì đó có thể là dấu hiệu sức khỏe bất ổn.
Cảm giác uể oải, buồn ngủ sau bữa ăn trưa là do các nguyên nhân sau:
Chế độ ăn uống
Hầu hết các loại thực phẩm được tiêu hóa theo cùng một cách giống nhau nhưng tác động của chúng đến cơ thể có thể khác nhau. Một số món khiến chúng ta buồn ngủ hơn sau khi ăn, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Thiếu ngủ vào ban đêm sẽ khiến cảm giác uể oải, buồn ngủ gia tăng sau bữa ăn trưa PEXELS
Nhiều loại thực phẩm giàu protein như trứng, đậu hũ, phô mai, đậu nành có chứa a xít amin tryptophan. Tryptophan tạo ra chất dẫn truyền thần kinh serotonin có tác dụng điều hòa giấc ngủ. Các nghiên cứu cho thấy mức serotonin tăng lên là nguyên nhân gây buồn ngủ sau bữa ăn.
Chu kỳ tiêu hóa
Chu kỳ tiêu hóa là một yếu tố khác gây buồn ngủ sau khi ăn trưa. Sau khi ăn, cơ thể sẽ tiết ra các hoóc môn như glucagon và amylin để tạo cảm giác no, đồng thời giúp tế bào hấp thụ dinh dưỡng. Tuy nhiên, các hoóc môn gây buồn ngủ như serotonin và melatonin cũng tăng lên sau bữa ăn.
Chu kỳ giấc ngủ
Ngủ không đủ giấc cũng ảnh hưởng đến cảm giác buồn ngủ sau bữa ăn trưa. Nếu chúng ta ngủ đủ giấc vào ban đêm thì sau khi ăn sẽ cảm thấy dễ chịu, thậm chí tỉnh táo. Tuy nhiên, nếu ban đêm thiếu ngủ thì cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ sau khi ăn trưa.
Tình trạng sức khỏe
Các bác sĩ cho biết cảm giác mệt mỏi sau bữa ăn hoặc buồn ngủ kéo dài có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe. Chúng có thể là tiểu đường, không dung nạp thực phẩm, chứng ngưng thở khi ngủ, thiếu máu, gặp vấn đề ở tuyến giáp hoặc bệnh celiac.
Điều chỉnh một số thói quen ăn uống và lối sống sẽ giúp giảm cảm giác buồn ngủ và duy trì sự tỉnh táo sau bữa ăn trưa. Cụ thể, chúng ta cần uống đủ nước vì thiếu nước sẽ khiến cơ thể mệt mỏi. Ban đêm cần ngủ đủ giấc, đồng thời hạn chế rượu bia và tập thể dục đều đặn.
Ngoài ra, bữa trưa chỉ nên ăn vừa phải thay vì ăn quá nhiều, tránh các món có nhiều đường, muối và ưu tiên ăn các món giúp cân bằng đường huyết, có lợi cho sức khỏe đường ruột như rau củ, trái cây, theo Verywell Health.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/vi-sao-hay-cam-thay-met-moi-buon-ngu-sau-bua-an-trua-18524050600475235.htm