190
/
117670
Sau khi chích ngừa COVID-19, cần thu kết quả gì?
sau-khi-chich-ngua-covid-19-can-thu-ket-qua-gi
news

Sau khi chích ngừa COVID-19, cần thu kết quả gì?

Thứ 3, 05/10/2021 | 12:27:25
722 lượt xem

Vắc xin là chế phẩm sinh học (dùng mầm bệnh chết, sống hay một phần mầm bệnh, thậm chí là một đoạn DNA hay RNA) được đưa vào cơ thể để hệ miễn dịch tập luyện nhận diện, ghi nhớ hình dáng, tác động của "mầm bệnh". Vắc xin tạo miễn dịch bảo vệ.

Lấy mẫu xét nghiệm kháng thể cho người dân tại P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cấu trúc hình hài của SARS-CoV-2, virus gây COVID-19, rất đơn giản, chỉ gồm lõi là bộ gene của acid nucleic là RNA, và bao quanh bộ gen là lớp vỏ glycoprotein. Lớp vỏ đặc trưng của SARS-CoV-2 có các gai glycoprotein có hình dạng tua tủa giống chiếc vương miện. 

Dựa vào bộ gene của các loại coronavirus người ta thấy rằng phần lớn của các bộ gene này khá giống nhau, chỉ có phần vỏ bọc glycoprotein với các gai (spike) gọi chung là protein S, mà virus dùng để bám và chui vào tế bào phổi của người là khá chuyên biệt cho mỗi loại và gene tạo ra chúng là đặc hiệu. Vì vậy, phần nhiều các nhà khoa học dùng các gai của SARS-CoV-2 làm kháng nguyên sản xuất kháng thể tạo vắc xin dùng cho người.

Cách tạo các vắc xin phòng chống COVID-19 đang dùng hiện nay có 4 loại: vắc xin mRNA, vắc xin vector, vắc xin tiểu đơn vị tái tổ hợp và vắc xin chứa virus bất hoạt.

Tại sao lại là "có kháng thể"?

Vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna là vắc xin mRNA. Vắc xin này dùng công nghệ di truyền trích mã di truyền của SARS-CoV-2 là RNA, cụ thể là mRNA (RNA thông tin, có chức năng truyền thông tin di truyền từ DNA đến ribôxôm để tổng hợp protein) của virus, để khi tiếp xúc cơ thể sẽ kích hoạt chức năng sinh kháng thể chống SARS-CoV-2 ở người được tiêm chủng.

Vắc xin của AstraZeneca và Johnson&Johnson có cơ chế gọi là vắc xin vector. Vắc xin loại này dùng mẫu protein là các gai của SARS-CoV-2 đưa vào vi sinh vật vô hại là virus adeno gây cảm lạnh thông thường ở loài tinh tinh, virus này gọi là vector mất khả năng sao chép nhưng có chứa vật chất di truyền là DNA có gene tạo protein S gai bề mặt của virus, rồi làm virus sinh sôi nảy nở thật nhiều để tạo vắc xin. 

Sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca và Johnson&Johnson, vắc xin sẽ mang mã di truyền của virus cảm lạnh là DNA đã được quy định tạo protein S, cơ thể người được tiêm vắc xin bắt đầu tự tạo ra protein S. Các tế bào miễn dịch trong máu của bạn nhận diện protein S là "kẻ xâm nhập", sẽ kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch tạo kháng thể chống protein S.

Vắc xin Covax do Hãng Nanogen (Việt Nam) nghiên cứu và phát triển được gọi là vắc xin tiểu đơn vị tái tổ hợp (recombinant subunit vaccine). Gọi là tái tổ hợp bởi vì thành phần SARS-CoV-2 được tạo ra trong phòng thí nghiệm chứ không phải được phân lập trực tiếp từ virus..

Hai vắc xin của hai công ty dược phẩm Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc) thì sao? Vắc xin của Sinopharm và Sinovac được gọi là vắc xin bất hoạt, vì dùng chính virus SARS-CoV-2 còn sống làm cho bất hoạt (inactivated). Họ nuôi cấy virus SARS-CoV-2 với số lượng lớn trên tế bào thận khỉ và bất hoạt chúng bằng beta-propriolactone để tạo vắc xin.

Khi nào tạo được miễn dịch bảo vệ?

Miễn dịch bảo vệ do vắc xin tạo ra là sự đề kháng của chính cơ thể chống lại sự xâm nhập, sự nhân lên và khả năng sinh bệnh của những vi sinh vật gây bệnh. Cơ chế hoạt động của vắc xin ngừa COVID-19 là các protein S có trong vắc xin hoặc được tế bào cơ thể tạo ra do chích vắc xin (vắc xin vector DNA hay vắc xin mRNA), các protein S trở thành kháng nguyên, để từ đó cơ thể sinh ra kháng thể vô hiệu hóa các kháng nguyên này.

Khi tiêm chủng vắc xin, chúng ta được bảo vệ bởi không phải 1 mà 2 hệ thống phòng thủ rất mạnh và liên hệ chặt chẽ: các kháng thể và các tế bào bạch cầu gọi là tế bào trí nhớ (memory cells).

Khi virus là SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, các tế bào bạch cầu đặc biệt là các tế bào B (B-cell hay còn gọi là B-lymphocytes) xung trận. Các tế bào B có khả năng phân biệt các tế bào của ta (trong cơ thể) và tế bào lạ là mầm bệnh xâm nhập. Các tế bào B sẽ bám lấy chất lạ là mầm bệnh, và có phản ứng bằng cách sản xuất thật nhiều chất gọi là kháng thể. Đó chính là các immunoglobin (Ig), đặc biệt IgM là các protein đặc biệt có tác dụng vô hiệu hóa các kháng nguyên tương ứng là mầm bệnh. Sau đó, với sự trợ giúp của tế bào T (cũng là một loại tế bào bạch cầu), tế bào B có thể chuyển sang sản xuất kháng thể IgG, IgA hoặc IgE. Và đây cũng là hệ thống phòng thủ thứ nhất.

Hệ thống phòng thủ thứ hai là các tế bào nhớ. Có một số tế bào B sau khi tiếp xúc với kháng nguyên là mầm bệnh biến dạng để trở thành "tế bào nhớ". Các tế bào này sống rất lâu trong cơ thể và "nhớ" rất lâu những mầm bệnh mà chúng đã có lần tấn công, nên sau này có khả năng sản xuất nhanh chóng kháng thể chuyên biệt để chống lại mầm bệnh mà cơ thể đã bị nhiễm trước đây nay nhiễm lại.

Xét nghiệm kháng thể bằng 0 sau chích ngừa không đáng lo

Vắc xin có tác dụng bảo vệ lâu dài không phải chỉ giúp tạo ra kháng thể, mà là giúp tạo ra các tế bào có trí nhớ. Các tế bào nhớ này tồn tại lâu dài trong hệ tuần hoàn, trong các hạch bạch huyết, và tồn tại lâu hơn nhiều so với kháng thể.

Do có hai hệ thống phòng thủ tạo ra bởi chích vắc xin nên chúng ta sẽ không lo lắng nếu sau chích vắc xin ngừa COVID-19 mà xét nghiệm lại thấy cơ thể không có kháng thể (kháng thể bằng 0). Vì lý do nào đó, trong thời điểm xét nghiệm kháng thể cơ thể không có kháng thể nhưng đừng lo, chúng ta vẫn còn có các tế bào nhớ, chúng sẽ tạo ra kháng thể khi cần.


PGS NGUYỄN HỮU ĐỨC 

Theo Báo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/sau-khi-chich-ngua-covid-19-can-thu-ket-qua-gi-20211004210956802.htm

  • Từ khóa

Cà phê chiếm vị trí số 1 về tác dụng không ngờ

Mọi người đều biết cà phê ẩn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng bạn có biết nó còn là tuyệt chiêu trị táo bón.
15:42 - 17/05/2024
119 lượt xem

Bộ Y tế chính thức cấp phép lưu hành vắc xin ngừa sốt xuất huyết

Vắc xin ngừa sốt xuất huyết do Takeda sản xuất, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ ngày 15-5. Đây là vắc xin ngừa sốt xuất huyết đầu tiên được...
11:45 - 17/05/2024
226 lượt xem

Việt Nam tham gia hệ thống ứng phó đại dịch của WHO

Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa khánh thành Trung tâm hợp tác với WHO về chuẩn bị, ứng phó với đại dịch và quản lý lâm sàng các bệnh truyền...
09:45 - 17/05/2024
264 lượt xem

5 lợi ích sức khỏe bất ngờ của ăn tối sớm

Nhiều người trong chúng ta thường ăn tối khá muộn và đây không phải thói quen tốt. Trên thực tế, ăn tối sớm có thể mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe thể...
08:26 - 17/05/2024
309 lượt xem

Phát hiện đột quỵ, ung thư chỉ trong vài phút nhờ ‘siêu máy’ CT 1975 lát cắt

Đây là một trong những máy CT được đánh giá có tốc độ chụp nhanh nhất thế giới tính đến thời điểm này khi chụp 1 trái tim chỉ cần 0,23 giây, chụp toàn...
18:44 - 16/05/2024
641 lượt xem