Biên sử nước - tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Ngọc Tư - vừa ra mắt bạn đọc tại TP.HCM sáng 1-11. Tác giả từ Cà Mau lên dành một buổi tặng chữ ký cho bạn đọc.
Cụ Đỗ Chỉn Chía (78 tuổi) đi từ Hóc Môn đến Q.1 để nhận chữ ký của Nguyễn Ngọc Tư - Ảnh: L.ĐIỀN
Biên sử nước có hấp lực dẫn người đọc tiếp cận từng phân đoạn bị chặt rời một cách cố ý của tổng thể một hiện tình xã hội đương đại.
Nên tiểu thuyết chỉ vỏn vẹn 125 trang vẫn mang lại cảm giác tác giả đã làm việc cật lực để đạt được mức độ đa thanh sắc và nhiều tầng nghĩa trong ngần ấy chữ viết.
Điều ám ảnh là những phận người liên tục hiện ra vừa rất quái lạ vừa như quen lắm.
Một đứa con mất mẹ lưu lạc quay về nhìn gia đình cha mình và người mẹ kế; nhà báo theo đuổi một huyền thoại và viết từng kỳ cho tòa soạn đọc theo từng chuyến xe đò; một cộng đồng giang hồ chung chạ truyền đời ở bến sông lại bất ngờ trở thành khởi thủy cho một huyền thoại kèm theo những đức tin không hiểu nổi; người thanh niên chuyển giới bị mẹ ruột nhẫn tâm làm ngơ cho bị hành hạ....
Lại có cả những thân phận chìm vào làn sương kỳ ảo như anh phu đường sắt suốt ngày dính liền với vợ như chiếc bóng, hay anh chàng ăn giấy ngốn từng trang sách...
Tất cả tưởng chừng như rời rạc vô lối trong mạch truyện của Biên sử nước, nhưng không, có một điểm chung neo những phận người đối diện với khốn cùng trắc trở lại với nhau: đó là họ tin rằng tìm được trái tim của người đàn ông được tôn xưng là Đức Ngài, những bệnh khổ của họ sẽ được chữa lành.
Và chính từ khía cạnh đó, người đọc sẽ tìm thấy ở Biên sử nước những dấu chỉ về niềm tin của một cộng đồng: người đời rơi vào tình trạng u mê, trì độn chỉ vì thực tại của họ đang bế tắc.
Đọc Nguyễn Ngọc Tư ở tiểu thuyết này, có những đoạn bắt rùng mình về hai chữ "sự thật", nó ở đâu giữa muôn trùng giả trá nanh ác của xã hội ngoài kia? Ngọc Tư có một ví von đắt giá về hoa giả: "Rụng là cách duy nhất phân biệt với hoa giả. Hương thơm cũng có thể làm giả như thường"!
Chính vì vậy, Biên sử nước để hé lộ một thế giới của cù lao Lẻ, nó mơ hồ vô định trên địa đồ nhưng lại mang cả chiều sâu chiều rộng của xã hội đương thời.
"Một cục đất của cái cù lao Lẻ này cũng là của Đức Ngài, sao tụi mày dám?", câu nói của nhân vật Báo - người thân cận với Đức Ngài - có thể khiến nhiều người nhận ra nét quen thuộc trong đời thường.
Với tiểu thuyết này, Ngọc Tư sáng tạo trong cách viết khi viết hẳn bài báo một kỳ "Theo dấu người đàn bà kết thúc một đế chế" để chú thích cho hành trình điều tra của một nhà báo về huyền thoại của Đức Ngài nơi cù lao Lẻ.
Thao tác đó cũng như một cửa sổ cần thiết mở ra để người đọc có thêm hứng khởi theo dõi mạch tiểu thuyết đang được vận hành rất riêng và không dễ nắm bắt.
Biên sử nước cũng khiến người đọc liên tưởng đến cách viết theo kiểu tảng băng trôi: Những gì Ngọc Tư viết ra rất đỗi kiệm lời, đó chỉ là phần nổi lên cho người đọc tiếp cận qua trang sách; và thế giới truyện còn chìm sâu đằng sau câu chữ, trong hình dung/cảm thấu của mỗi người sau khi gấp sách lại, mới thật mênh mông.
Buổi ra mắt sách tại Phương Nam Book City (Q.1, TP.HCM) đón nhận nhiều bạn đọc hâm mộ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đến nhận ký tặng. Đặc biệt có cụ Đỗ Chỉn Chía - năm nay 78 tuổi, nhà ở tận Hóc Môn - cũng có mặt từ sớm để xếp hàng xin chữ ký Nguyễn Ngọc Tư. Trong một trao đổi riêng, Ngọc Tư tiết lộ khi viết Biên sử nước, chỗ khó khăn nhất của chị chính là tìm lấy tông giọng cho mỗi chương. Bởi mỗi chương là một nhân vật nói về một nhân vật/một hiện tình đang diễn tiến, do vậy mỗi chương là một cấu trúc khác nhau về phân vai nhân vật và cả về cốt truyện; những nhân vật xưng tôi không trùng nhau giữa các chương. |
Theo Lam Điền/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/nguyen-ngoc-tu-tham-sau-trong-bien-su-nuoc-20201102095913316.htm